Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, đây đều là các dự án cấp thiết, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, khu vực và đã được cấp có thẩm quyền đề xuất ưu tiên dành vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột có điểm đầu tại khu vực cảng Nam Vân Phong - cảng biển được định hướng là một trong những cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam, có thể đón được những con tàu "mẹ" - tàu siêu trọng.
Nếu có đột phá về cơ chế và ưu tiên nguồn lực, đầu tư xây dựng được tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trong nhiệm kỳ này, vùng Tây Nguyên (nằm ở cuối tuyến) sẽ kết nối với cảng biển thuận lợi để khai thác tiềm năng thế mạnh, nhiều khu công nghiệp sẽ được hình thành. Khi đó, tuyến cao tốc này sẽ không khác gì cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở khu vực phía Bắc.
Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, khi được đầu tư, đây là sẽ tuyến cao tốc ngang kết nối thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, hiện tại, cảng Trần Đề đã được đưa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Đây được đánh giá là cảng nước sâu chiến lược của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể đón tàu trọng tải 50.000 - 80.000 tấn, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giảm tải cho cảng biển Tp. Hồ Chí Minh, từ đó giảm chi phí vận tải, nâng sức cạnh tranh của hàng hóa. Một tuyến cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đóng vai trò quan trọng cho cảng nước sâu này phát triển và khai thác đúng tiềm năng", Bộ trưởng Thể đánh giá.
Riêng với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải, đây là công trình quan trọng nhất của vùng Đông Nam Bộ, kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
"Hiện tại, Quốc lộ 51 đã mãn tải, tình trạng ách tắc giao thông khu vực Đông Nam Bộ những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng, đặt ra sự cấp thiết về chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu", Bộ trưởng Thể cho hay.
Nêu ý kiến tại cuộc họp này, hầu hết đại diện các Ban Đảng Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các địa phương liên quan đều thể hiện quan điểm về sự cần thiết đầu tư 3 dự án cao tốc quan trọng nói trên.
Mặc dù vậy, đại diện các đơn vị cũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải cần tính toán kỹ phương án đầu tư, hình thức đầu tư, cân đối nguồn lực đầu tư hợp lý để tính cấp thiết được "cụ thể hóa" ngay trong nhiệm kỳ này theo yêu cầu Quốc hội, Chính phủ đề ra, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19; đồng thời, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tiếp thu góp ý trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị trong ngành; trong đó các cục, vụ liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kỹ hơn đánh giá tác động của các dự án, phương án đầu tư, rà soát nguồn lực, cơ chế đặc thù cần áp dụng… để đạt được mục tiêu đề ra, từ đó hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian tới.
Theo tờ trình được Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án trước đó, dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I dài 177,5 km, đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, được xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, chiều rộng 17 - 22,75 m, gồm 3 dự án thành phần.
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn I dài 188,2 km, đi qua địa phận các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, được phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 4 làn xe hạn chế, gồm 4 dự án thành phần.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn I) dài 53,7 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, gồm 3 dự án thành phần…