Được biết, đến chiều ngày 17/8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn đang "xả cửa" miễn phí cho phương tiện đi qua trạm, sau khi Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư thống nhất miễn, giảm phí cho xe qua trạm thu phí này.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí xung quanh Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Bộ GTVT |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc miễn, giảm này chưa đáp ứng được yêu cầu của các lái xe và người dân địa phương, vì không chỉ là mức phí thu quá cao, mà vị trí đặt trạm không hợp lý.
Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin ban đầu của dự án QL1 qua Cai Lậy (Tiền Giang) xây dựng 7 cầu, nhưng thực tế có 5 cầu, khi nghiệm thu thì có ghi cụ thể là cầu cống như thế nào và khi hai cầu đã thay bằng hai cống, sẽ giảm được bao nhiêu vốn đầu tư, cũng như giảm được bao nhiêu thời gian thu phí?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải trình: Có hai cầu trên tuyến trong quá trình thi công chuyển cầu thành cống vì liên quan đến yếu tố kỹ thuật. Cầu thi công chuyển thành cống để đảm bảo yêu cầu thoát nước. Kinh phí thì khi nghiệm thu khối lượng dự án cụ thể, Bộ sẽ công khai chi tiết. Giảm bao nhiêu vốn đầu tư và giảm bảo nhiêu thời gian thu phí thì phải tính toán kỹ, Bộ GTVT sẽ có báo cáo cụ thể, nhưng chắc chắn không tác động nhiều, không thay đổi thời gian thu phí.
Đối với câu hỏi của báo chí, căn cứ vào cở sở nào mà Bộ GTVT lại đặt trạm tại nơi tất cả các lái xe phản đối và tại sao nhà đầu tư sử dụng BOT để cải tạo, mà không dùng phí đường bộ, Thứ trưởng Trần Ngọc Đông cho hay: Việc đặt trạm thu phí có cả một quá trình diễn ra rất lâu, trước đây có các dự án là vốn ngân sách chúng ta có đặt trạm để thu phí, sau đó có làm các dự án thảm mỏng do Cục Đường bộ làm. Sau này, có nhiều trạm BOT chúng ta đặt thêm để đảm bảo thu hồi vốn. Cái này là mục tiêu để thu hút vốn.
Riêng đối với Trạm thu phí Cai Lậy đặt trong phạm vi của dự án. Chính phủ đã có chỉ đạo đối với các dự án trước kia thì có rà soát lại các trạm để đưa về khu vực dự án cho phù hợp. Tuy nhiên vẫn còn một số trạm thu phí ở khu vực ngoài. Trạm Cai Lậy căn cứ vào phương án tài chính, khi phê duyệt dự án đều có lấy ý kiến của địa phương, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội và Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc căn cứ vào phương án tài chính là hài hòa lợi ích, để người dân vừa có đường tốt đi, còn nhà đầu tư có thể cân đối lợi nhuận và ngân hàng khảo sát thực tế khả thi mới cấp vốn...
Tại buổi họp báo chiều ngày 17/8, gần 60 câu hỏi của 100 phóng viên đã gửi tới bộ phận tổng hợp của Bộ GTVT giải đáp. Bộ GTVT vẫn tiếp thu các ý kiến thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, lái xe để rà soát, kiểm tra và báo cáo giải trình.