Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải tập trung giải trình về tính khả thi của phương án xây dựng đường băng có chiều dài 2.600 m và nhà ga bằng việc giải toả sân golf theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không) và một số chuyên gia hàng không khác.
4/7 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để làm đường cất hạ cánh thứ 3 và các công trình phụ trợ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong 7 phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra trước đây có 4 phương án xây dựng thêm đường cất hạ cánh sang phía Bắc. Tuy nhiên, cả 4 phương án này đều không đặt ra vấn đề xây dựng đường băng ngắn và có khoảng cách với đường băng liền kề là 670 m như đề xuất của các chuyên gia.
“Chính vì các chuyên gia có đề nghị phương án mới nên Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo Chính phủ. Khi có ý kiến các bên, nhất là các đơn vị tư vấn về hạ tầng sân bay, mới có thể đánh giá phương án đó khả thi hay không”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo đánh giá của các bộ phận chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam, về nguyên tắc, một đường cất hạ cánh không chỉ gồm phần đường băng mà phải có phần đất dự phòng hai đầu để phòng ngừa sự cố, phần đất lắp đèn dẫn đường… . Vì vậy, chiều dài phần đất cần làm đường băng như đề nghị của các chuyên gia sẽ dài hơn 2.600 m lên trên 3.000 m.
Về khoảng cách giữa các đường cất hạ cánh, đại diện Cục Hàng không Việt Nam dẫn các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho hay, tại một sân bay có hai đường cất hạ cánh, công suất sân bay đạt cao nhất khi hai đường cất hạ cánh có thể hoạt động độc lập, cất hạ cánh không phụ thuộc nhau.
Khoảng cách tối ưu để hai đường băng hoạt động độc lập là 1.750 m. Khoảng cách nhỏ hơn vẫn có thể cất hạ cánh được nhưng phải thực hiện các biện pháp điều hành bay.
Ngoài ra, công suất đường cất hạ cánh còn phụ thuộc vào hệ thống đường lăn để dẫn máy bay từ đường cất hạ cánh vào nhà ga và ngược lại.