Trên cơ sở kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng, quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 01/01/2019 của Chính phủ và mục tiêu áp dụng đấu thầu qua mạng đến năm 2025 quy định tại Quyết định số 1402, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chia lộ trình đấu thầu qua mạng 2019-2025 thành 2 giai đoạn là 2019-2021 tiếp tục thực hiện trên hệ thống hiện tại và 2022-2025 là sau khi hệ thống mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trong giai đoạn 2019-2021, đối với bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu.
Giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 2019-2021 và tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định về lộ trình cho giai đoạn 2019-2025 theo hướng tăng tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng, phù hợp với tính năng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).
Theo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả thiết thực mang lại từ việc triển khai đấu thầu qua mạng, vẫn không tránh khỏi còn tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ đấu thầu không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định, việc áp dụng đấu thầu qua mạng còn chậm. Còn nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định; tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa.
Cùng với đó, tổng giá trị các gói thầu đấu thầu qua mạng còn chiếm tỷ trọng chưa cao so với tổng giá trị các gói thầu trên cả nước do đó chưa tận dụng được lợi ích của đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, giá trị pháp lý của văn bản điện tử giao dịch trên Hệ thống chưa được các bên liên quan nhận thức và công nhận đầy đủ…
Để khắc phục hạn chế và tồn tại trong triển khai đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như: xây dựng theo nguyên tắc lượng hóa được các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng (quy định hạn mức gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng), đồng thời đưa ra chế tài cụ thể (không giải ngân) nếu không thực hiện theo quy định.
Cùng với đó, Bộ đưa ra chế tài mạnh mẽ đủ sức răn đe; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện đấu thầu qua mạng. Tăng cường truyền thông, đào tạo về đấu thầu qua mạng; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đấu thầu qua mạng.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP) sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thay thế công nghệ đã lạc hậu của hệ thống hiện tại. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đảm bảo có sự kết nối, liên thông đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống công nghệ thông tin khác có liên quan trong Chính phủ điện tử…