Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, bộ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến như miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư về miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến và trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thông tư giảm phí, lệ phí khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và các năm tiếp theo; trong đó có yêu cầu tập trung rà soát tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Bộ Tài chính cho biết thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Tính đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 6 thủ tục hành chính tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 5 quyết định công bố bãi bỏ 4 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 7 thủ tục hành chính; công bố mới 3 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý giá và quản lý bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định.
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 800 thủ tục. Về yêu cầu đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ. Tính đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 25.472.303 hồ sơ trực tuyến.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc - Tổ Phó Thường trực tổ công tác cho biết, việc thực hiện đề án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP. Để đạt được mục tiêu đó, theo Thứ trưởng, vai trò của Bộ Tài chính là rất quan trọng. Đề án 06/CP đã nêu cụ thể thời gian thực hiện cho từng nhiệm vụ, do đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tiến độ thực hiện, trong trường hợp cần tháo gỡ vướng mắc, kịp thời có kiến nghị gửi tới Tổ công tác.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, đảm bảo kết nối dữ liệu liên thông với dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; trong đó 10 cơ sở dữ liệu đã hoàn thành triển khai (quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý thuế; quản lý kho bạc; quản lý hải quan; quản lý chứng khoán; quản lý tài sản công; quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; danh mục điện tử dùng chung ngành tài chính; quản lý giá, quản lý bảo hiểm), 2 cơ sở dữ liệu đang thực hiện (quản lý nợ; quản lý dự trữ).
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, có 2 cơ sở dữ liệu hiện nay là ưu tiên hàng đầu đó là thuế, hải quan, sau đó sẽ thực hiện đối với lĩnh vực tài sản công và kho bạc, quản lý bảo hiểm, chứng khoán. Trong lĩnh vực thuế, vấn đề mua bán hóa đơn giả, hoàn thuế… cần có kết nối liên thông và định danh để kiểm soát. Trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, khi có định danh, kết nối liên thông thì việc truy vết sẽ dễ thực hiện hơn.