Theo đó, thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ, xuống còn 58,74% - 61,27%.
Như vậy, so với kết luận sơ bộ, biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam ở kết luận cuối cùng giảm gần 7 lần, giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Kết quả của vụ việc đã cho thấy vai trò quan trọng của ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong trong việc hợp tác với Cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nhiều lần bày tỏ quan điểm với phía Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Cùng với đó, Bộ Công Thương hoan nghênh việc DOC lắng nghe ý kiến các bên và đã điều chỉnh một phần phương pháp tính toán. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, có hai cơ quan tham gia vào một vụ việc điều tra chống bán phá giá là DOC (xác định mức thuế chống bán phá giá) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ - ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước).
Biện pháp chống bán phá giá sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Hiện nay, ITC đang điều tra về thiệt hại và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 23/5/2022. Theo số liệu thống kê của ITC, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2021 đạt 56.133 tấn với kim ngạch khoảng 82,1 triệu USD.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ ở các giai đoạn tiếp theo như việc đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá… nhằm giúp ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng trong vụ việc này theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như tiếp cận các thị trường khác, khai thác hiệu quả lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do mà ta đã tham gia.