Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đánh giá cao lãnh đạo tỉnh An Giang có nhiều chính sách đột phá từ tư duy kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, được Trung ương nhân rộng. Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế hiện nay, An Giang cần phát huy tốt lợi thế về phát triển nông nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, An Giang cần thay đổi cách tiếp cận đa giá trị trong phát triển nông nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; tập trung phát triển kinh tế nông thôn để tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Bộ trưởng cũng đánh giá cao đề xuất của An Giang trong xây dựng trung tâm liên kết vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững của vùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị An Giang phối hợp các địa phương tính toán, khai thác hợp lý nguồn cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với những kiến nghị của An Giang về các công trình giao thông trọng điểm, thay mặt đoàn công tác, ông Lê Minh Hoan ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của An Giang và sẽ báo cáo kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời…
Báo cáo với đoàn công tác, UBND tỉnh An Giang cho biết, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh dự kiến có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, dự kiến 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang ước tăng 6,95%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước 4,98%; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,71%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,95%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,%.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm có tính kết nối, có sức lan toả, nhằm tạo việc làm, kích cầu thị trường, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
“Ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023) đến hết 6 tháng đạt 3.215 tỷ đồng, đạt 40,01% kế hoạch vốn đã giao. So với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm 2023 cao hơn 20,06%; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 39,9% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 40,12% kế hoạch”, ông Tâm báo cáo.
Về xây dựng hạ tầng, hiện UBND tỉnh An Giang đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ những dự án trọng điểm, như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang, đầu tư giai đoạn 1 đến năm 2025 với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 trên 13.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây lắp vào tháng 6/2023; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc với tổng mức đầu tư là 2.131 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2024.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa của An Giang trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng tăng trưởng so với cùng kỳ về sản lượng và kim ngạch. Ước tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 1 triệu USD….
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của An Giang những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức mà năng lực nội tại của tỉnh chưa thể giải quyết trong ngắn hạn như: cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được quan tâm đầu tư, cải thiện trong những năm gần đây nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân.
Theo ông Bình, mặc dù khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng đến nay nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ Trung ương vẫn còn hạn chế, trong khi đó chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển và thu hút đầu tư vào khu vực này.
Để xây dựng và phát triển một cách toàn diện tuyến hành lang kinh tế biên giới, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tỉnh An Giang đề xuất Trung ương ban hành cơ chế đặc thù phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh An Giang cũng báo cáo với đoàn công tác một số khó khăn, vướng mắc mà An Giang đang đối mặt trong phát triển nông nghiệp. Theo đó, do chuỗi giá trị hàng nông sản trên địa bàn tỉnh chưa nhiều và phần lớn mới chỉ dùng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu giống, sơ chế, chế biến tinh, bảo quản và logistics, dẫn đến chưa phát triển được các tập đoàn nông nghiệp quy mô lớn, tăng thu nhập cho người nông dân…
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu trên địa bàn An Giang, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm hỗ trợ đến việc triển khai các dự án kè chống sạt lở sông Hậu, bảo vệ các khu vực đô thị, đông dân cư, như: Kè xử lý sạt lở bờ sông Tiền đoạn qua phường Long Châu, thị xã Tân Châu; xử lý khắc phục sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành; kè chống sạt lở bờ sông Tiền bảo vệ dân cư khu vực thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới…
An Giang cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm, như: xây dựng cầu Tôn Đức Thắng thay thế phà hiện hữu, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu thăm viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012; xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự nối từ huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) qua thị xã Tân Châu (An Giang), nằm trên Quốc lộ N1, nối liền các tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang; hỗ trợ kinh phí thực hiện Cầu Năng Gù bắc qua sông Hậu, nối liền Quốc lộ 80B (huyện Phú Tân) và Quốc lộ 80C (huyện Châu Phú…..
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ An Giang đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất thuộc đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án và vận hành Trung tâm đầu mối ở An Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt…
Trước đó, đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang, gồm: Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty cổ phần Nam Việt…