Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Đó là lo lắng, căng thẳng, hồi hộp và cuối cùng là vỡ oà trong cảm xúc vui mừng khi 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Với những kết quả đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tầm vóc, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được nâng lên tầm cao mới, khẳng định Việt Nam sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018.
Nhìn lại chặng đường tăng trưởng kinh tế của năm 2017, Bộ trưởng có cảm xúc như thế nào? Năm 2017 để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Từ lo lắng, căng thẳng đến hồi hộp và cuối cùng là vỡ oà trong vui mừng. Căng thẳng trước sức ép, áp lực, quan ngại diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ thực lực của nền kinh tế cho đến các giải pháp điều hành của Chính phủ để đạt được kết quả. Khi kết quả được công bố, chúng tôi rất phấn khởi bởi 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt và điều quan trọng hơn cả là toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Các kết quả đó cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã dần đi vào cuộc sống, chất lượng nền kinh tế đã tăng lên và có những chuyển biến rõ nét. Điều này tạo ra không khí phấn khởi trong toàn bộ người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã làm nên một năm hết sức đặc biệt, là năm đất nước có sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên niềm tin để bước vào 2018 và giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, năm 2017 cũng là lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, bám sát tình hình, diễn biến thực tế, chi tiết cho đến từng ngành, từng sản phẩm trong từng lĩnh vực để có chỉ đạo điều hành hết sức cụ thể. Rõ ràng điều này khẳng định kết quả của đổi mới công tác kế hoạch hóa và tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong năm 2017 và được các nhà tài trợ quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao trong các hội nghị gần đây. Kết quả có được như vậy là do sự thay đổi căn bản trong điều hành chính sách của Chính phủ cũng như vai trò tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ. Xin Bộ trưởng bình luận thêm về điều này? Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 có được là do nhiều nguyên nhân và bài học kinh nghiệm quý báu. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Chính phủ, kết hợp chặt chẽ với công tác lập pháp, giám sát hiệu quả của Quốc hội.
Sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ trên tinh thần kiến tạo, hành động và phục vụ với những giải pháp chính xác, kịp thời, bám sát các diễn biến của thực tế, kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn với giải pháp dài hạn, kiên định mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ, quyết tâm không lùi bước nhưng cũng không tăng trưởng bằng mọi giá.
Cuối cùng là sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội đã tạo nên sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng.
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận Phước. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, theo Bộ trưởng cần phải có những giải pháp gì để kinh tế tăng trưởng bền vững trong năm 2018? Bước sang năm 2018, chúng ta nhận thấy rằng, bối cảnh quốc tế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp… Đây là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh những thách thức thì cơ hội lớn nhất chính là đà thuận lợi của kinh tế 2017 sẽ tiếp diễn sang 2018 và những năm tiếp theo. Đây là kết quả của quá trình cải cách, của các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm hiện đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Khó khăn, sóng gió sẽ còn nhiều. Để thực hiện được nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, tôi cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng. Đó là: cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để Việt Nam có thể tăng tốc, rút ngắn khoảng cách với các nước.
Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, dân cư và đầu tư nước ngoài. Cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ tiếp diễn và thậm chí mạnh mẽ hơn trong năm 2018. Mặt khác, cần xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng để thu hút dòng vốn này, đồng thời phải có sự lựa chọn hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia, dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Song song với đó, đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam…
Nghị quyết 01 vừa được ban hành đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể, đầy đủ để nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành quả tích cực như năm 2017. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?
Nghị quyết 01 đã cụ thể hóa được các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội nhưng được trình bày cô đọng và có trọng tâm, với 9 nhóm giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nhiều nội dung quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong năm 2018.
Nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 01/2018 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lấy tái cơ cấu nền kinh tế, lấy thực hiện đột phá 3 nhiệm vụ chiến lược làm trọng tâm. Bên cạnh đó phải có chuyển biến rõ nét của các lĩnh vực khác như xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…
Phương châm hành động của Chính phủ năm nay bao gồm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”. Tuy mang tính khái quát cao nhưng thể hiện tư tưởng, hành động, chỉ đạo của Chính phủ trong suốt cả một năm đó là lấy kỷ cương, liêm chính làm nền tảng; phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn; phải đổi mới, sáng tạo nhiều hơn và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời phải tái cơ cấu mô hình kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng để từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!