Bốn giai đoạn
Để thực hiện 4 giai đoạn theo dự thảo, Bộ GTVT yêu cầu các trạm dừng nghỉ, bến xe, doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, đội ngũ lái xe và phương tiện trong cả nước hàng loạt yêu cầu phòng chống dịch đảm bảo an toàn.
Theo dự thảo, doanh nghiệp sẽ được tăng dần số lượng xe được phép hoạt động theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch), doanh nghiệp có tối đa không vượt quá 40% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm). Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), doanh nghiệp có tối đa không vượt quá 60% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt và có giãn cách chỗ trên phương tiện.
Giai đoạn 3 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 2), doanh nghiệp thực hiện tối đa không vượt quá 80% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt và giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới), doanh nghiệp được hoạt động trở lại bình thường.
Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, Sở GTVT các tỉnh, thành phố hai đầu tuyến chạy liên tỉnh thống nhất áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.
Riêng đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch; vận chuyển học sinh, sinh viên, Sở GTVT các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố quyết định. Trong đó, xe hợp đồng (trừ trường hợp vận chuyển học sinh, sinh viên), du lịch không được chở quá 50% số người được phép chở cho đến khi thực hiện trạng thái bình thường mới.
Điều kiện cần để xe khách hoạt động
Đặt vấn đề ưu tiên phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, Bộ GTVT yêu cầu các doanh vận tải phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, lộ trình tuyến đăng ký, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp phải khử khuẩn phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình theo hướng dẫn của Sở Y tế địa phương; đồng thời yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ dừng đỗ dọc đường đúng các địa điểm đã ghi trong lệnh cấp vận chuyển hoặc hợp đồng vận chuyển hành khách đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đối với các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, cao tốc được phéo hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và địa phương; niêm yết đường dây nóng của cơ quan chức năng để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng chống dịch và kịp thời truy vết các trường hợp nghi mắc COVID-19 theo yêu cầu của nhà chức trách và cơ quan y tế.
Riêng đối với lái, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe, Bộ GTVT dự thảo 2 phương án: Thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế; bên cạnh việc thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” phải đáp ứng một trong các tiêu chí như: Người đã tiêm đủ liều vắc xin trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng, người đã mắc và khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành Y tế theo quy định), người chưa tiêm vaccine hoặc đã tiêm 1 mũi vaccine có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.
Điều kiện cần nhất đảm bảo xe khách hoạt động liên quan đến phương tiện được Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp là phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe theo quy định tại Nghị định số 10/2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đồng thời, phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Ngoài ra, các bến xe khách phải xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra, vào bến xe bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng chống dịch COVID-19; kiểm tra hành khách thực hiện quy định về phòng chống dịch trước khi vào bến. Bến xe khách chỉ tiếp nhận phương tiện vào hoạt động tại bến xe khi thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch theo quy định. Trong trường hợp phát hiện lái, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế để xử lý.