Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng khởi công tháng 9/2014 là tuyến cao tốc đầu tiên được Chính phủ cho phép địa phương tự chủ nguồn vốn đầu tư. Cao tốc gồm 2 dự án thành phần là cao tốc nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng dài 19,3 km, được đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh và dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,3 km, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn 7.277 tỷ đồng.
Dự án góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời, giảm tải lưu lượng cho Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10, giảm một nửa thời gian đi từ thành phố Hạ Long đến Hải Phòng và Hà Nội.
Cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đóng vai trò then chốt trong việc tạo không gian phát triển mới, dọc khu vực ven biển của Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là khu vực chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản quảng canh trong hàng chục năm qua, giá trị thấp, dù lợi thế rất lớn về hàng hải và diện tích đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ...
Ngoài cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT trị giá hàng nghìn tỷ đồng khác. Đó là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái (nối tiếp cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); các dự án thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Hạ Long - Cẩm Phả; dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng hành khách quốc tế Hòn Gai…
Điển hình là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay được đầu tư theo hình thức BOT đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Sun Group - nhà đầu tư chiến lược của Quảng Ninh, thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng. Đây là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh và là động lực để phát triển Vân Đồn nhanh và mạnh, trở thành đặc khu trong tương lai. Cảng có quy mô đón được 2 triệu khách/năm (từ nay đến năm 2020) và đón 5 triệu khách/năm (năm 2030). Giữa tháng 7 vừa qua, Cảng hàng không này đã đón chuyến bay hiệu chỉnh đầu tiên và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại vào đầu năm 2019.
Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 14.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần BOT Biên Cương. Dự kiến, cuối năm 2018, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ được đưa vào khai thác, tạo ra tuyến cao tốc liên thông Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân, đồng thời tạo “vốn mồi” để tiếp tục thu hút đầu tư…
Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên du lịch Mai Quyền cho biết, Quảng Ninh giờ đã có được hạ tầng giao thông tốt, có các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh thành phía Bắc, hay có sân bay quốc tế nên du lịch đến các địa phương như Hạ Long và Vân Đồn sẽ có bước đột phá lớn. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch thì các tour du lịch sẽ được ký kết nhiều hơn và đương nhiên doanh thu cũng tăng theo góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch của tỉnh.
Nắm bắt cơ hội, chỉ riêng ở Vân Đồn, năm 2018 hàng loạt nhà đầu tư đã khởi động các “siêu dự án” du lịch nghỉ dưỡng cấp cao với tổng số vốn đầu tư lên tới 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD). Riêng Công ty TNHH một thành viên du lịch Mai Quyền cùng đối tác đang xúc tiến dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn gồm 9 phân khu chức năng (phân kỳ 1) với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long từng nói, nếu chỉ chờ vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì Quảng Ninh sẽ phải chờ 10 năm hoặc lâu hơn nữa mới có hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại. Để tạo bước đột phá trong xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, nhờ có sự đồng thuận của Trung ương, Quảng Ninh đã có những bước đi táo bạo thu hút vốn đầu tư đó là áp dụng mô hình đầu tư công – tư (PPP) một cách linh hoạt, sáng tạo.
Ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho hay, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Sun Group mong muốn chung sức cùng địa phương xây sân bay Vân Đồn, bởi nhận thức rõ, muốn phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, thì hạ tầng luôn phải đi trước một bước, tạo cơ sở và tiền đề cho các hoạt động giao thương.
Ông Trường phân tích, Quảng Ninh là địa bàn đầu tư chiến lược, nên tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn để bổ trợ cho các công trình du lịch lớn mà Tập đoàn đã và đang triển khai tại Quảng Ninh, đồng thời mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chung tay đưa Vân Đồn cất cánh.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt trên 36.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư từ xã hội là chủ yếu (chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư), còn lại vốn ngân sách tỉnh chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh đã phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.