BRICS lập quỹ phòng khủng hoảng

Theo thông cáo sau cuộc họp bên lề Hội nghị G-20 tại Nga đầu tháng này, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã nhất trí thành lập một quỹ dự trữ tiền tệ trị giá 100 tỷ USD. Quỹ này được cho là sẽ tăng cường sức mạnh của các nền kinh tế thành viên, nhưng tính khả thi của nó thì còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận.


Ý tưởng đầy lạc quan


Theo đó, Trung Quốc sẽ góp phần lớn nhất là 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, Nam Phi góp 5 tỷ USD. Trong thực tế, nó giống như một quỹ góp vốn chung hay một chương trình bảo hiểm nhóm đối với các thành viên. Các nền kinh tế có thể dựa vào nguồn dự trữ của nhau thông qua theo tỷ lệ đóng góp để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Lý do là, nếu sử dụng bất kỳ nguồn vay nào từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), họ phải tuân theo nhiều quy định cho vay rất nghiêm ngặt của IMF, kèm theo những điều kiện chính trị mà nhiều nước muốn tránh.

Lãnh đạo các nước nhóm BRICS gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg, Nga ngày 5/9. Ảnh: THX/TTXVN


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết mục tiêu mà 5 nền kinh tế thành viên BRICS đang hướng tới là thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của thị trường hối đoái đối với đồng nội tệ của mỗi quốc gia.


Carlos Cozendey, thư ký phụ trách vấn đề quốc tế thuộc Bộ Tài chính Brazil, cho biết quỹ có thể bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2015. Theo ông này, mục đích thành lập quỹ không nhằm đối phó với các tình huống hiện nay, mà là giúp các nước cân đối được cán cân thanh toán mà không cần phá giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, quỹ sẽ thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư bằng cách cung cấp cho các nước BRICS một công cụ khác để bảo vệ đồng tiền.


Quỹ BRICS đã được đề xuất tại cuộc họp của nhóm tại Durban, Nam Phi đầu năm nay và việc thúc đẩy nó trở thành hiện thực đã trở nên cấp bách hơn. Các nhà đầu tư trên thế giới đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và đưa trở lại Mỹ khi nền kinh tế này có nhiều dấu hiệu hồi sinh, khiến cho đồng tiền của các nước đang phát triển bị mất giá.

Trung Quốc - thành viên đóng góp nhiều nhất trong nhóm BRICS. Ảnh Internet


Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega nói rằng quỹ BRICS sẽ được mô phỏng giống như Sáng kiến Chiang Mai giữa 10 quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với khủng hoảng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 - 1998.


Các nhà lãnh đạo BRICS tỏ ra rất hào hứng trước kế hoạch ra đời của quỹ trên. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhận định rằng thỏa thuận trên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đồng tiền của các nước mới nổi rất dễ bị tổn thương thời gian gần đây vì các yếu tố rủi ro toàn cầu. Nó sẽ cho phép 5 quốc gia trên tiếp cận nguồn vốn để đối phó với những biến động của dòng vốn ngắn hạn mà có thể tác động tiêu cực đến hệ thống tiền tệ các nước thành viên.


Còn Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thì cho biết: "Việc thành lập một thỏa thuận dự trữ tiền tệ sẽ có tác dụng phòng ngừa tích cực, giúp các nước BRICS ngăn chặn áp lực thanh khoản ngắn hạn, hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường hơn nữa sự ổn định tài chính".


Khả thi ra sao?


Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, để thỏa thuận trên đi vào thực hiện và mang lại lợi ích cho các thành viên thì còn rất nhiều việc phải làm. Về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak cho rằng nhiều chi tiết về thỏa thuận trên vẫn cần được làm rõ. "Chúng tôi đã yêu cầu không để tạo ra những kỳ vọng không cần thiết. Về mặt chính trị, các nước đã sẵn sàng, nhưng về mặt kỹ thuật thì chưa", ông Storchak nói với Reuters.


Một quan chức thuộc khối BRICS thì nhận định rằng cho dù chi tiết về mặt kỹ thuật có thể sẽ được nhanh chóng thống nhất trong các cuộc họp nhóm thời gian tới, nhưng quỹ BRICS chỉ có thể hoạt động được sau khi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Mà thủ tục này có thể sẽ cần nhiều thời gian.


Theo Loevinger, một nhà phân tích thị trường mới nổi tại Tập đoàn TCW, các ngân hàng trung ương sẽ không sẵn sàng bỏ tiền đóng góp vì lo ngại rủi ro, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển. "Tôi nghi ngờ về việc Quỹ BRICS sẽ được thanh toán miễn phí. Cho vay sẽ có điều kiện kèm theo, đó là điều không thể chấp nhận với các nước tiếp nhận", Frederic Neumann, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng HSBC Holdings ở Hong Kong cho biết.


Ngoài ra, số vốn đóng góp 100 tỷ USD chỉ chiếm 2,2% trong tổng số 4,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS được cho là chưa đủ để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực. Ông Vladimir Lupenko, một đối tác của Tập đoàn tư vấn FCG, nhận xét số tiền này có lẽ sẽ đủ sức để cân bằng tác động ngắn hạn của 1 cơn tháo vốn và cho phép các cơ quan quản lý quốc gia ứng phó một cách hiệu quả hơn. Số tiền này cũng có thể đủ để hạn chế áp lực đối với các đồng tiền quốc gia khi chương trình nới lỏng định lượng của Chính phủ Mỹ sắp kết thúc, khiến giá đồng USD tăng lên. Tuy nhiên, ông Lupenko cho rằng khoản dự trữ này không đủ để kiềm chế tỷ giá hối đoái trong dài hạn của các thành viên BRICS.


Chuyên gia phân tích đầu tư Timofei Sholtes lấy một ví dụ cụ thể: Số tiền dự trữ của quỹ BRICS sẽ không đủ để giữ ổn định cho các đồng tiền quốc gia, bởi Chỉ số các Thị trường mới nổi MSCI đã sụt giảm 5% vào tháng 9/2013, vượt xa 100 tỷ USD về giá trị tuyệt đối.


Mặc dù vậy, CRA vẫn còn một số triển vọng tích cực nhất định. Ít nhất hai đồng tiền quốc gia của các nước thành viên BRICS đã trở nên có trọng lượng trong giao dịch thương mại toàn cầu. Dựa trên các cuộc thăm dò ý kiến của đại diện các ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại của 43 nước trên thế giới, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã đi đến nhận xét rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lần đầu tiên đã tham gia tốp 10 đồng tiền hàng đầu trên thế giới về mức độ giao dịch trên thị trường ngoại hối (chiếm 2,2%, xếp thứ 9). Đồng rúp của Nga cũng đã đi được một chặng đường dài, từ vị trí thứ 18 năm 2007 lên vị trí thứ 12 năm 2013 về kim ngạch thương mại (chiếm 1,6% thị trường này). Sức nặng của hai đồng tiền này sẽ giúp cho quỹ BRICS có những ảnh hưởng nhất định nếu được mang ra sử dụng.

Công Thuận(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN