Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2019 lần thứ 4 diễn ra chiều 2/12, do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, tính đến thời điểm này có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp hoạt động chính thức và có hơn 5 triệu hộ kinh doanh trong đó có hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Bức tranh của doanh nghiệp tư nhân đã rất khác so với 10 năm trước.
“Cách đây 20 năm trong một khảo sát của IOC khi khảo sát các bạn thanh niên ở Việt Nam thì con số thú vị đưa ra là có 8/10 bạn mong muốn trở thành công chức viên chức. Nhưng hiện nay con số này chắc chắn sẽ thay đổi khi có nhiều hơn những bạn muốn khởi nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Đại diện VCCI cho biết, Việt Nam hiện có những văn bản chính sách quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Có thể kể đến Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập vai trò và vị trí của doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Và các khung khổ pháp luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đều tập trung và đạt tiêu chuẩn cao về phát triển môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, năm 2017 Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là một điểm rất khác so với các nước khác bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV. Luật hỗ trợ DNNVV được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, bởi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực… Ngoài 7 chính sách hỗ trợ chung, còn 3 chính sách hỗ trợ mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Cùng với đó, theo đánh giá của VCCI, các thủ tục hành chính đã được cải cách rất nhiều, trước đây để 1 doanh nghiệp có thể đăng ký và hoạt động phải mất đến 1 tháng và có rất nhiều giấy phép con. Theo thời gian từ năm 2005 thì quá trình gia nhập thị trường đã rút đi rất nhiều từ 22 ngày xuống 15 ngày và xuống còn 3 ngày, thậm chí có những thủ tục có thể thực hiện trên mạng. Ngay tại Hà Nội là thành phố lớn cũng tạo điều kiện khi miễn giảm một số thủ tục miễn đăng ký kinh doanh hay bố cáo thông tin. Các địa phương đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập.
VCCI cũng có những khảo sát về thủ tục thuế trong thời gian qua và kết quả cho thấy đã có những cải cách rất mạnh. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp còn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”. Các vấn đề khắc như khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch; hạ tầng giao thông còn yếu kém; tiếp cận nguồn vốn…
Cùng với đó, vẫn có khoảng cách rất lớn giữa Việt Nam và các nước do chỉ số gia nhập thị trường vẫn còn thấp. Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho biết, theo một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.
“Như vậy, có khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, từ ngày 1/1/2020 Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
"Năm nay chúng tôi đề xuất dự án di sản của ASEAN chính là mạng lưới khởi nghiệp ở ASEAN để kết nối các nhà khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Đây là động lực cho sự phát triển của ASEAN nên tôi hi vọng được ủng hộ của các nước trong khối ASEAN, của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN", TS Vũ Tiến Lộc cho hay.