Gia đình ông Cổ Thượng Lộc, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách làm bưởi giống da xanh trên 20 năm. Với 12.000 m2 chuyên canh cây bưởi giống, mỗi tháng gia đình ông Lộc cung ứng ra thị trường khoảng 15.000 – 20.000 cây.
“Ngày xưa bưởi giống da xanh bán được ít, do thị trường mua ít. Nhưng ba năm trở lại đây bưởi giống da xanh rất được nhiều người tìm mua, nhất là năm 2016. Thị trường cũng mở rộng không chỉ các tỉnh phía Nam mà ra ngoài Bắc và sang các nước Lào, Campuchia nữa. Gía cây giống theo đó cũng tăng từ 15.000 đồng lên 30.000 – 35.000 đồng/cây”, ông Lộc cho biết.
Ông Lê Văn Đơn, Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách thông tin, huyện Chợ Lách có khoảng 5.000 gia đình tham gia sản xuất cây giống, hoa kiểng các loại, với diện tích trên 10.000 ha. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 16 triệu cây giống các loại; trong đó khoảng 600.000 – 700.000 cây bưởi giống gia xanh. Riêng năm 2016, số lượng bưởi giống tăng khoảng 30%. Nhiều gia đình sản xuất cây giống đã chuyển đổi sang bưởi da xanh.
Mỗi năm cơ sở sản xuất cây giống Đức Thủy, ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 sản phẩm cây giống các loại. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay cơ sở tập trung cho sản xuất cây bưởi da xanh. Trong năm 2015 với sản lượng trên 350.000 cây giống bán ra thị trường thì hơn 50% là chủng loại bưởi da xanh.
Chị Lê Thị Kim Thủy, chủ cơ sở sản xuất cây giống Đức Thủy cho biết hiện tại bưởi giống da xanh là một trong những sản phẩm đem lại lợi nhuận hấp dẫn do có giá bán khá cao, dao động khoảng từ 25.000 – 35.000 đồng/cây và có sức tiêu thụ mạnh. Với giá bán này nhà vườn có lãi khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng mỗi sản phẩm.
Không những thế, điều phấn khởi của nhà vườn là hiện tại giống bưởi da xanh đang rất hút hàng, cơ sở của chị Thủy hiện bao tiêu sản phẩm cho tổ liên kết cây giống bưởi da xanh của hơn 30 gia đình sản xuất cây giống trong khu vực mà vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Theo chị Thủy với giá cả và tình hình tiêu thụ như hiện tại, giống bưởi da xanh đang được đông đảo gia đình sản xuất chọn canh tác.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh, ấp 6, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: "Hiện tại gia đình tôi trồng hơn 3.000m2 bưởi da xanh để sản xuất cây giống bằng hình thức chiết nhánh. Đến nay, cây đã cho thu hoạch, trong năm 2016 này, tôi xuất bán khoảng 20.000 nhánh bưởi, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 150 triệu đồng".
Bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN. |
Hiện nay, cây giống bưởi da xanh được sản xuất ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Chợ Lách và một số xã thuộc huyện Mỏ Cày Bắc. Bưởi giống có dạng chủ yếu là bưởi chiết nhánh và bưởi tháp (ghép).
Với kinh nghiệm sản xuất cây giống lâu, năm anh Mai Hữu Truyền, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết, để có đủ sản lượng cây giống cung cấp cho thị trường ngoài việc nhân giống bưởi, anh Truyền sử dụng phương pháp ghép bo bưởi da xanh lên gốc cam. Cây bưởi ghép sản xuất được sản lượng lớn, chất lượng cây đồng đều.
“Đối với hình thức nhân giống bưởi bằng cách chiết nhánh hay tháp đều quan trọng nhất là chất lượng cây đầu dòng phải đảm bảo đúng giống, sạch bệnh như vậy mới đảm bảo cây giống sản xuất ra đảm bảo chất lượng. Riêng đối với hình thức bưởi tháp thì cần thêm cây gốc ghép cũng phải là loại cây có múi đảm bảo có sức sinh trưởng tốt, kích thước và độ tuổi gốc ghép đảm bảo đúng kích cỡ”, anh Truyền chia sẻ.
Hiện nay, nhiều nhà vườn sản xuất bưởi giống da xanh chọn phương pháp chiết nhánh thay vì ghép cành. “Chiết cành số lượng cây không nhiều bằng ghép. Tuy nhiên, thời gian xuất bán nhanh hơn phương pháp ghép. Nếu chiết nhánh làm cây giống thì trong thời gian 3-6 tháng là bán nhưng ghép thì phải mất khoảng một năm. Ngoài ra, chiết nhánh sẽ giữ được đặc tính của cây bố mẹ, giá trị kinh tế cao hơn bưởi ghép”, ông Cổ Thượng Lộc nhận định.
Chưa bao giờ nhu cầu tiêu thụ mạnh và lợi nhuận từ cây bưởi giống da xanh lại hấp dẫn như hiện nay. Với lợi nhuận cao nên bưởi giống da xanh được nhiều nhà vườn tập trung sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các nhà vườn cần đảm bảo chất lượng cây giống trong quá trình cung ứng cho thị trường và nên thường xuyên tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ để tránh “cung vượt cầu”.