Cá chép đỏ Thủy Trầm vượt cổng làng vươn xa

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Tết ông Công, ông Táo. Trước đây, người dân thường mua cá chép trắng để tiễn ông Táo về trời, những năm gần đây người dân lại chuộng cá chép đỏ.

Nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, người dân làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển nghề nuôi cá chép đỏ và xây dựng thành công thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước.

Cá chép đỏ được nhiều người lựa chọn để tiễn ông Táo về trời. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cá chép đỏ Thủy Trầm được nuôi trên đất tổ Hùng Vương nay đã “vượt cổng làng” đến với người dân ở nhiều miền Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Khoảng 4-5 ngày trước lễ cúng ông Công ông Táo, cả làng Thủy Trầm trở nên sầm uất. Hàng đoàn xe tải, xe máy từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, miền Nam, miền Trung... đổ về chợ cá chép nằm ngay giữa làng để thu mua cá.

Cá chép đã được các hộ gia đình tát ao, chuyển vào bể xi măng, phân loại theo kích thước để tiện cho thương lái thu mua, đóng gói, vận chuyển đi các địa phương.

Theo ông Bùi Đình Chữ, Trưởng Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm: Toàn xã hiện có khoảng 300 hộ nuôi cá chép đỏ, cung cấp ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá. Loại cá trung bình thường được người dân chọn mua là loại 50-60 con/kg.

Năm nay số hộ nuôi cá giảm so với năm trước, lượng cá cung cấp vừa đủ, không dư nên giá cá năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước từ 30-40 nghìn đồng/kg. Càng gần ngày 23 tháng Chạp, giá cá càng tăng và cá đẹp càng khan hiếm. Sản lượng năm nay tuy có sụt giảm đôi chút nhưng giá cá cao, người đến thu mua tấp nập nên các hộ nuôi cá rất phấn khởi.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm năm nay thu được hơn 2 tạ cá chép đỏ. Bán hết số cá này trong 2 ngày, trừ chi phí, gia đình bà Thơm thu được hơn chục triệu đồng tiền lãi để đón Tết Đinh Dậu.

Bà Thơm chia sẻ: Ngay từ sau tháng 6 âm lịch hàng năm, gia đình đã bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Năm nay thời tiết không thuận lợi lắm, tuy nhiên cá nhà bà khá to nên được giá. Nhiều gia đình có điều kiện thường thích mua cá chép đỏ loại to từ 1-2 kg/con, có con hơn 2kg, thả phóng sinh, thả trong các ao tại đình chùa, nhà hàng, quán ăn ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Công Vui, người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nuôi cá cho biết giống cá chép đỏ này có nguồn gốc Nhật Bản. Điều đặc biệt là loại cá này phù hợp với điều kiện thủy nhưỡng ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Một vài địa phương khác cũng nuôi được cá chép đỏ, nhưng cá chép đỏ Thủy Trầm được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng nhất, do có có mầu sắc đỏ đậm, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.

Cá chép đỏ đã xuất hiện tại làng Thủy Trầm được khoảng 40 năm. Điều đáng nói là qua thời gian, người dân trong làng đã tự tìm chọn những con cá đẹp về màu sắc, ngoại hình, khỏe về thể chất để nhân giống, chủ động và đảm bảo được nguồn cung cá bột tại địa phương.

Thêm vào đó, người dân tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc để đảm bảo cá có màu sắc bắt mắt, hình dáng ưa nhìn và kích thước hợp lý để cung cấp cho thị trường đúng dịp Tết ông Công ông Táo. Cá chép đỏ khi đạt từ 1 kg trở lên có thể làm thực phẩm với giá bán lên đến hơn 100 nghìn đồng/kg. Thịt cá giàu dinh dưỡng và ngon như cá chép trắng.

Nhưng do cá có màu đỏ đẹp, lại ứng với truyền thuyết về cá chép vượt vũ môn hóa rồng của người Việt nên người dân làng Thủy Trầm nuôi cá chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân chứ không phát triển nuôi cá thương phẩm.

Hơn 10 năm nay, khi người dân chọn cá chép đỏ thay cá chép trắng làm “phương tiện” để tiễn các Táo Quân về trời, phong trào nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm có cơ hội phát triển và mang lại thu nhập ổn định cũng như niềm tự hào cho người dân làng Thủy Trầm mỗi dịp Tết đến Xuân về.


Anh Nguyễn Văn Đạt 30 tuổi, người dân làng Thủy Trầm cho biết: Gia đình anh nuôi cá đến nay là đời thứ 3. Từ bé, anh đã xem ông, cha nuôi cá rồi học theo và rút kinh nghiệm, cải tiến khu nuôi, cách thu gom và tìm mối bán. Đến nay, năm nào gia đình anh cũng có khách hàng đặt trước cá chép đỏ.

Thu nhập từ nuôi cá cao hơn thu nhập từ các ngành nghề nên kinh tế gia đình được cải thiện hơn trước. Anh Đạt cũng xác định chắc chắn sẽ giữ và phát triển nghề nuôi cá chép đỏ...

Ông Trương Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc chia sẻ: Trước đây người dân nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, rô phi... nhưng không đem lại hiệu quả cho đến khi người dân tìm thấy giống cá chép đỏ phục vụ cho dịp lễ ông Công ông Táo.

Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước nên nghề nuôi cá có điều kiện để phát triển. Toàn xã Tuy Lộc có 67 ha nuôi thả cá, chủ yếu tập trung ở làng Thủy Trầm. Hàng năm, người dân cung ứng từ 7.000 – 8.000 kg giống cá các loại cho thị trường.

Bán cá giống và cá trưởng thành đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Đến nay, nhiều gia đình đã xây được nhà to, mua sắm được đồ gia dụng phục vụ cuộc sống, trẻ con được học hành đoàng hoàng. Trong thời gian tới, xã Tuy Lộc sẽ hướng người dân đến việc ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững.

Đối với những khu nuôi cá còn manh mún, địa phương sẽ tiến hành quy hoạch để gia tăng diện tích nuôi, nâng cao chất lượng cá. Mặt khác, địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tạo liên kết, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thành lập hợp tác xã...

Ngọc Bích (TTXVN)
Thả cá chép ông Công, ông Táo thế nào cho đúng và có ý nghĩa
Thả cá chép ông Công, ông Táo thế nào cho đúng và có ý nghĩa

Theo tập tục, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Cá Chép được sử dụng để cúng cho ông Táo, làm phương tiện cho ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN