Theo đó, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên toàn tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, giai đoạn hiện nay cần thiết phải có một giải pháp cấp bách, hiệu quả cao nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh nhanh chóng, tránh kéo dài và giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi đến mức thấp nhất.
Tính đến ngày 20/6, số lợn bị tiêu hủy trên toàn tỉnh Cà Mau là 281 con. Các ổ dịch tại huyện Năm Căn, Thới Bình và Ngọc Hiển không phát sinh thêm lợn bệnh chết. Nhưng, các huyện còn lại dịch bệnh đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, vẫn còn lợn bệnh phải tiêu huỷ. Toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn trên 94.000 con; trong đó, có 70.000 con lợn thịt, số lợn đến giai đoạn xuất chuồng, xuất bán khoảng 50%. Phần lớn số lợn này được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi thú y chưa đảm bảo và còn lại là lợn con, lợn nái.
Phương án giảm đàn dự tính thực hiện trong 100 ngày đêm và phương án này ước giảm chi cho ngân sách tỉnh 119 tỷ đồng, chi phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có trên 8.200 con lợn nái, phương án bảo vệ và tái đàn lợn nái sẽ được thực hiện bằng cách chọn những trang trại đáp ứng các tiêu chí mua lợn nái và lợn đực giống hậu bị hạt nhân tái đàn.
Về phương án tăng các sản phẩm thay thế thịt lợn được triển khai dựa vào điều kiện của địa phương. Hiện nay, đàn gia cầm của địa phương ước có 2,7 triệu con, tăng trên 750.000 con so với năm trước. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản 300.000 ha với nguồn cua và cá. Đây là nguồn thực phẩm dồi dào, hàm lượng dinh dưỡng cao có thể cung cấp thay thế cho thịt lợn trong thời gian tới.
Tại buổi họp, đại diện UBND các huyện có ổ dịch cùng các sở, ngành đánh giá cao phương án giảm đàn và tái đàn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh về những thủ tục hỗ trợ việc giết mổ, tiêu thụ lợn trong tỉnh. Vì hiện tại, những thủ tục bán lợn của người dân còn nhọc nhằn, mất nhiều thời gian. Việc bố trí chốt trạm phải có sự thay đổi linh hoạt để chặn đường vận chuyển lậu; phải có sự phối hợp giữa các địa phương khi có dịch xảy ra.
Về các phương án phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao các chủ tịch huyện phải báo cáo ngay trong ngày về việc thành lập cũng như giải thể các chốt kiểm soát. Về tái đàn, khi dịch chưa chấm dứt trên địa bàn tỉnh thì không được tái đàn; khi nào hết dịch, có chủ trương của tỉnh thì mới được thực hiện.
"Phải hạ tổng đàn lợn thịt trong tỉnh nhanh và đề nghị các sở, ngành nghiên cứu các thủ tục ngăn chặn lượng lợn nhập tỉnh để hỗ trợ người chăn nuôi trong tỉnh. Biện pháp này không những ngăn nhập lậu lợn, ngăn chặn dịch bệnh mà còn giúp thực hiện được giải pháp giảm đàn", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ.
Về chính sách hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu các quy định áp dụng cho đúng theo quy định hiện hành. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thương lái trong việc giết mổ lợn trong tỉnh; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các phương án. Dự kiến, đầu tuần tới, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ký ban hành chính thức thực hiện 3 phương án này.
Đến thời điểm này, Cà Mau đã có 9 xã thuộc 6 huyện có ổ dịch tả lợn châu Phi gồm: Tân Ân và Tân Ân Tây (Ngọc Hiển); Phú Mỹ và Phú Tân (Phú Tân); Hàm Rồng (Năm Căn); Trần Hợi và thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời); Tân Dân (Đầm Dơi); Trí Phải (Thới Bình). Tổng số lợn đã tiêu hủy là 281 con.