Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các tỉnh như: Bình Phước, Đồng Nai và Hậu Giang vừa xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi; đồng thời, Cà Mau lại là địa phương có hơn 80% lượng thịt lợn tiêu thụ nhập từ các tỉnh khác, do vậy nguy cơ bùng phát dịch này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau nhận định, dịch tả lợn châu Phi đang đứng trước nguy cơ lây lan nhanh, khó kiểm soát, bởi hiện nay tỉnh Cà Mau chỉ kiểm soát được ở hai khâu là vận chuyển và giết mổ. Riêng khâu giết mổ, ngành thú y hiện chỉ kiểm soát được khoảng 60% tại các lò giết mổ tập trung, còn lại 40% giết mổ tại hộ gia đình thì khó có thể kiểm soát được. Vì vậy, ông Huy khuyến cáo, người tiêu dùng nên tiêu thụ thịt heo có đóng dấu của ngành thú y để sử dụng an toàn và góp phần phòng chống loại dịch bệnh này hiệu quả hơn.
“Tỉnh Cà Mau có 4 huyện giáp ranh với các tỉnh khác, do đó, ngoài 2 chốt kiểm dịch được thành lập từ ngày 10/4, địa phương sẽ thành lập thêm tối thiểu 5 trạm kiểm tra tại những địa phương này. Bên cạnh đó, tại các xã sẽ thành lập đội phản ứng nhanh nhằm kịp thời hỗ trợ khi phát hiện các nghi vấn về dịch bệnh trên lợn khi nhập về địa phương tiêu thụ”, ông Nguyễn Thành Huy cho biết thêm.
Ông Lý Khánh Ly, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau cho biết, thành phố Cà Mau là trung tâm kinh tế, văn hoá của tỉnh, do đó, lượng lớn lợn nhập tỉnh đều được tiêu thụ tại đây. Hiện, lợn các tỉnh khác nhập về thành phố chủ yếu qua 4 tuyến đường bộ và 3 tuyến đường thuỷ. Trong khi đó, hiện chỉ có công tác quản lý lượng lợn nhập từ các tình khác bằng đường bộ là tương đối chặt chẽ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử nhận định, trước tình hình dịch bệnh có thể lây lan vào địa bàn, các sở, ngành chức năng các địa phương cần thực hiện nghiêm kế hoạch ứng phó khẩn cấp theo Quyết định 379/QĐ-UBND ngày 13/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Chỉ đạo các huyện thành lập ngay ban chỉ đạo, các xã phải có lực lượng túc trực thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết.
Ngành thú y tăng cường kiểm soát 24/24 tại các trạm, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm sát các tuyến đường nhập thịt lợn từ các tỉnh khác không có chốt trạm và kiểm soát 100% điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đồng thời thường xuyên thu mẫu thịt lợn tại các chợ và các sản phẩm làm từ thịt lợn để giám sát dịch bệnh. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét các cơ sở pháp lý để đề xuất nhanh phương án “nội bất xuất, ngoại bất nhập” về thịt lợn.
Cũng trong ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Chỉ thị số 04 về việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh theo các văn bản chỉ đạo có liên quan của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra ở tất cả các trạm, chốt; các chốt tạm phải có bảng “trạm (hoặc chốt) kiểm soát dịch tả lợn châu Phi các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm lợn có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy xác nhận nguồn gốc sản phẩm hợp lệ, trước khi vào địa bàn tỉnh phải được khử trùng đúng quy định; kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh Cà Mau.
Bên cạnh đó, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; thu giữ, lấy mẫu các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc (thịt đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích,...).
Tăng cường kiểm soát và hướng dẫn các địa phương kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên tất cả các tuyến đường vào địa bàn tỉnh; khẩn trương rà soát, xác định các tuyến đường vận chuyển (đường bộ, đường sông, đường biển, đường giao thông nông thôn), qua đó đề xuất UBND tỉnh thành lập ngay các chốt (hoặc tổ) kiểm soát đối với những tuyến có nhiều phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm lợn nhập tỉnh; hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức chốt kiểm soát đối với các tuyến đường còn lại, cung cấp đầy đủ hóa chất, thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Khi phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi phải báo cáo ngay UBND tỉnh, Cục Thú y; dừng ngay việc vận chuyển và xử lý lợn, sản phẩm từ lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến từ nơi đã được xác định có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định.