Theo UBND tỉnh Cà Mau, với lợi thế về biển và thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời cũng là điểm đầu của giao thông biển kết nối với các nước Đông Nam Á (ASEAN), vì thế tỉnh Cà Mau được xem là một trong bốn tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy hải sản chất lượng cao. Ngoài ra, nguồn tài nguyên rừng và biển cũng đã tạo cho Cà Mau có những lợi thế đặc biệt để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, khai thác khí đốt, dầu khí và cảng biển...
Với những lợi thế trên, tỉnh Cà Mau đã và đang kêu gọi các tỉnh thành, doanh nghiệp (DN) hợp tác đầu tư tại tỉnh. Để tạo thuận lợi cho các DN, tỉnh Cà Mau thực hiện đa dạng hoá các quan hệ hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư và thu hút được vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể, năm 2016-2017 tỉnh Cà Mau chọn công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Cà Màu ký kết hợp tác với các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào tỉnh |
Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 30 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.629 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có tổng số 205 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 83.044 tỷ đồng. Trong các dự án nói trên, có những dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, điển hình như các dự án: Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (vốn đăng ký đầu tư 14.694 tỷ đồng), Nhà máy xử lý khí (vốn đăng ký đầu tư 4.700 tỷ đồng), Nhà máy điện (vốn đăng ký đầu tư 13.700 tỷ đồng), dự án Nhà máy đạm (vốn đăng ký đầu tư 18.749 tỷ đồng)…
Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, hoàn thiện mạng lưới giao thông... Đặc biệt, dự án cảng biển quốc tế Hòn Khoai được Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng, dự kiến khi hoàn thành sẽ đón tàu có tải trọng 250.000 DWT. Cảng Hòn Khoai sẽ tạo ra một điểm kết nối đường biển quốc tế quan trọng, giúp Việt Nam kết nối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực như: Singapore, Maylaysia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản…
Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh, Cà Mau đang và sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung đào tạo và nâng cao trình độ tay nghề cho lao động; hoàn thiện cơ chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Cụ thể, thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Cà Mau mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Cà Mau, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận dụng tốt nhất các chính sách có lợi nhiều nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư (giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định). Quy trình, thủ tục đầu tư được công khai, minh bạch để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư tại tỉnh. Kiên quyết thực hiện các giải pháp để trong thời gian sớm nhất xây dựng môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau sẽ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tốt mặt bằng để các nhà đầu tư có điều kiện triển khai nhanh dự án, đồng thời sẽ xem xét, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện đến hàng rào khu công nghiệp, hàng rào khu vực triển khai các dự án. Tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ chi phí lập quy hoạch chi tiết khu công nghiệp cho các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ đầu tư đường trục chính trong các khu công nghiệp đối với các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với mức hỗ trợ tối đa 50 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, các cơ quan chức năng của địa phương sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết hoặc kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Lãnh đạo tỉnh định kỳ tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.