Mời bạn hàng tới tham quan
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mới, sâu rộng chưa từng có, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp khi các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.
Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với bạn hàng quốc tế ngay tại thị trường nội địa. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2016 ngày 14/4, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhiều DN sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà, vì Việt Nam có hơn 90% DN là vừa và nhỏ, công nghệ phần lớn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực, chưa nói tới các nước phát triển. Nhiều DN chưa thực sự chủ động hội nhập, trong khi đó cạnh tranh tại Việt Nam sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới vì một số hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ.
Do vậy, các chuyên gia tại hội nghị cho rằng, các DN Việt Nam cần tiết giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm ra các bạn hàng mới, tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại nhưng vẫn đem lại hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại tới các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản… thì việc tăng cường xúc tiến ngay tại Việt Nam là rất quan trọng. Chúng ta sẽ mời các bạn hàng quốc tế tới Việt Nam tham quan, mua hàng, tổ chức các chương trình hội chợ lớn như: Việt Nam Expo, hội chợ về công nghiệp thực phẩm, đồ uống, hội chợ chuyên ngành may mặc, giày dép… Như vậy, sẽ giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được thị trường lớn mà không mất nhiều chi phí.
Cùng quan điểm này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại ngay tại thị trường Việt Nam là một sáng kiến rất tốt. Vì đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, chỉ có thể đi tham quan học hỏi, chưa có khả năng bỏ ra một khoản tiền lớn để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở các nước khác.
Doanh nghiệp phải giữ chữ tín
Ngoài việc xúc tiến thương mại thì việc tạo dựng các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng ổn định lâu dài, tính cạnh tranh cao cũng là điều rất quan trọng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để người tiêu dùng các nước biết đến hàng hóa của Việt Nam, sử dụng hàng hóa đó đã là một thành công, nhưng để họ sử dụng hàng hóa đó lâu dài, lại là một câu chuyện khác. Việc này đòi hỏi các DN phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhất là trong giai đoạn công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D phát triển nhanh như hiện nay.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO cho biết: “Ngay cả người Việt Nam cũng không tin tưởng vào các mặt hàng và thực phẩm của Việt Nam, nên có khuynh hướng dùng các mặt hàng ngoại nhập. Trước đây, Nhật Bản cũng đã từng như vậy, cũng có thời kì người Nhật nghi ngờ chính sản phẩm của Nhật Bản như liệu “có rẻ không?” liệu “có chất lượng không”?. Tuy nhiên, do DN Nhật thường xuyên chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nên tới nay thì các sản phẩm của Nhật Bản đã đạt được trình độ như bây giờ”.
Do vậy, theo ông Atsusuke Kawada, ngoài sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam cho xúc tiến thương mại, thì quan trọng hơn là sự nỗ lực từ chính các DN. DN nên áp dụng một cách linh hoạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực từ nay về sau để cân nhắc việc có thể xuất khẩu các sản phẩm với chi phí thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.