Người dân đang san thưa cá trong lồng để cứu cá. |
Trong ngày 23/7, dù đã một lần thu dọn xác cá chết, song khu vực bè nuôi của gia đình ông Đặng Ngọc Triển, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An vẫn còn cá chết nổi trên mặt nước. Ở sâu dưới đáy lồng, có rất nhiều cá kích cỡ từ 0,5 - 0,8 kg/con cũng đang yếu dần...
Ông Đặng Ngọc Triển cho biết: "Số cá mới nổi lên có thể do vừa chết hoặc của các hộ nuôi lân cận vứt trôi theo dòng nước vướng vào. Những con cá ở dưới đáy lồng vớt bỏ thì “tiếc của”, nhưng giữ lại cũng khó mà cứu chữa. Cá diêu hồng lúc mới nuôi có khoảng 500 con với trọng lượng từ 0,5 kg trở lên, bây giờ chỉ còn khoảng 50 - 60 con. Trong khi đó, loại cá cỡ nhỏ bằng ngón tay, ngón chân vừa được gia đình thả cả ngàn con và nay cũng chết gần hết".
Cùng chung hoàn cảnh này, các lồng cá nuôi của gia đình ông Lê Văn Trung, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cũng bị chết hàng loạt. Một số lồng nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhưng không thể xuất bán vì không có người mua. Bỏ lồng không được, vớt bán cũng không xong. Hiện nay, ông Trung cũng như nhiều hộ khác đang nỗ lực cứu cá bằng cách san thưa lồng và tắm cho cá bằng nước đá lạnh. Tuy nhiên, giải pháp này chưa mang lại hiệu quả.
Ông Lê Văn Trung, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An than thở: "Cá lớn cá nhỏ gì cũng chết hết. Cá hồng bây giờ thì nổ mắt và tự nhiên chết...".
Tính đến thời điểm này, có khoảng 400 lồng bè của gần 100 hộ dân ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An có cá nuôi bị chết với tỷ lệ thiệt hại từ 40 - 80%.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của huyện Tuy An đã lấy mẫu nước ở các vùng nuôi và mẫu cá chết gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân; đồng thời khuyến cáo người dân không vứt xác cá bừa bãi để hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Được biết, cách đây 1 năm hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt cũng xảy ra tại vùng nuôi này kkiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.