Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng cá tra Việt Nam tự hào với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Tuy nhiên, trước tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mặt hàng này bị đình trệ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt hơn 587.000 tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, ngành cá tra Việt Nam xác định, lấy thị trường nội địa làm chủ lực phát triển để dần khôi phục thị trường thế giới sau đại dịch COVID-19.
Thị trường trong nước nhiều khả quan
Cá tra là sản phẩm đặc trưng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, cá tra được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu Việt Nam đưa ra thế giới. Nhưng trước tác động của dịch COVID-19, để ngành hàng này có thể duy trì và ứng phó sau dịch, nhiều doanh nghiệp chế biến, cá tra đã cùng nhau vạch hướng đi cho con cá tra tại thị trường nội địa.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, vừa qua có nhiều doanh nghiệp đã ký kết tiêu thụ mặt hàng cá tra với các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam và đưa vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể,… Cụ thể có Công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C (Central Group); Công ty Hùng Cá và Hiệp hội Nông nghiệp Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp khác bắt tay vào kết nối tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Theo ông Dương Thành Chung, Giám đốc Xí nghiệp Bắc Hà (Hà Nội), sản phẩm cá tra nguyên con và cá tra phi-lê tại thị trường miền Bắc được khách hàng đánh giá rất cao bởi giá cả phải chăng, dễ chế biến, ngon miệng, đặc biệt là không có xương, mềm, phù hợp với học sinh nên được các nhà ăn trường học ưa thích.
Chính vì vậy, Xí nghiệp Bắc Hà đã kết nối, kiểm tra và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu tiên với số lượng 25 tấn với Công ty cổ phần Nam Việt (Long Xuyên, An Giang) cá tra, các sản phẩm cá tra. Bên cạnh đó, Bắc Hà cũng cung cấp sản phẩm cá tra sang các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình... Trong thời gian tới, Xí nghiệp Bắc Hà sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận như Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…. Đồng thời, triển khai các dòng sản phẩm cá tra đến bàn ăn của gia đình miền Bắc cũng như đưa dòng sản phẩm này đến thị trường miền Trung.
Cho đến nay, Xí nghiệp Bắc Hà đã có hơn 60 khách hàng là doanh nghiệp, trường học, siêu thị, bếp ăn quân đội, bếp ăn công nghiệp đặt hàng, tiêu thụ cá tra và các sản phẩm từ cá tra, với số lượng khoảng 100 tấn/tháng. Dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 230 tấn/tháng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa là hướng đi đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng thủy sản nói chung; trong đó, có mặt hàng cá tra đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đây không chỉ là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn là sản phẩm có giá rất cạnh tranh với nhiều loại thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày.
Thêm vào đó, quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam cũng được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đạt chuẩn tương đương với quy trình nuôi, chế biến cá da trơn của Mỹ. Điều này cho thấy, đây là mặt hàng được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của thị trường thế giới.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng tạo mọi điều kiện trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước để sản xuất, phân phối, tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa, để ngành cá tra không bị lệ thuộc và chịu áp lực vào các thị trường xuất khẩu.
Quảng bá hình ảnh cá tra ra nước ngoài
Đánh giá về biến động của xuất khẩu cá tra sang các thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dịch COVID-19 chưa phải là nguyên nhân cốt lõi. Bởi dù dịch bệnh xảy ra, nhưng các sản phẩm cá khác của các quốc gia vẫn bật lên, cạnh tranh mạnh với sản phẩm cá tra Việt Nam.
Điển hình, thị phần cá rô phi của Brazil tăng gần 100% khi nhập khẩu vào Mỹ; cá rô phi Trung Quốc mặc dù chịu thuế 25% vẫn tăng một cách đáng kể, riêng cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ sụt giảm gần 25% trong 6 tháng đầu năm nay, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn chia sẻ.
Đặc biệt, bà Trần Thị Lệ Khanh trăn trở, sau dịch COVID-19, cá tra Việt Nam đã "anh dũng ra khơi” và chịu lắm "thương tích" nhưng vẫn gồng mình vượt qua, ngành cá tra Việt Nam biết đến bài học về quản trị rủi ro, về đa dạng thị trường và sản phẩm, nhưng toàn ngành cũng đang bị kéo theo dòng chảy của thị trường… thay vì làm chủ cuộc chơi với chiến lược dài hạn và chủ động.
Điểm qua hai thị trường lớn nhất của cá tra là Mỹ và Trung Quốc, bà Khanh cho biết, tại thị trường Trung Quốc, sau Tết âm lịch 2020, dịch bệnh bùng phát, quí I/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã giảm sút 37,5% so với quý I/2019. Từ tháng 4/2020, nhu cầu tiêu thụ hồi phục dần nhờ cá tra có giá cả rất phù hợp cho yêu cầu tồn trữ an ninh lương thực và chuỗi nhà hàng cũng đã dần hồi phục.
Còn ở thị trường Mỹ, bà Khanh cho biết, cá tra Việt Nam đã xâm nhập thị trường này 20 năm, nhưng kênh tiêu thụ chính vẫn là Foodservice (kênh dịch vụ thực phẩm). Trong khi việc truyền thông về cá tra hầu như vắng bóng. Đơn cử qua kênh điều tra của nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến ngành cá tra Việt Nam thì sự nhận diện của người tiêu dùng về cá tra Việt Nam rất ít so với nhận diện cá rô phi, đặc biệt các đầu bếp của chuỗi nhà hàng thì gần như không nhận biết rõ ràng về hai loại cá thịt trắng này.
Do đó, ngành cá tra Việt Nam cần kết hợp với các nhà nhập khẩu ngoài xây dựng lại thương hiệu, cần có các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi cho con cá tra. Hoạt động truyền thông sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện cá tra Việt Nam giữa hàng nghìn sản phẩm bày bán ở siêu thị để ưu tiên lựa chọn không chỉ cho mùa dịch mà cả cho đời sống thường nhật. Bên cạnh đó, cùng với việc quảng bá hình ảnh con cá tra Việt Nam tốt hơn, ngành cá tra cũng có kế hoạch ứng dụng công nghệ cao vào chế biến cá tra, để con cá tra có được chuỗi sản phẩm giá trị cao.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin… nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra, điển hình như Công ty cổ phần Nam Việt.
Từ đó, các doanh nghiệp đã tạo những bước tiến trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, nhất là đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra. Ngành hàng cá tra đang được các doanh nghiệp tái cơ cấu theo hướng không chỉ hiện đại, mà còn để khẳng định vai trò số một trên thị trường quốc tế về cung ứng sản lượng, cũng như sản phẩm sạch cho nhu cầu hội nhập quốc tế đối với nông sản Việt Nam.