Gần 8.000 hộ trồng lúa ở Trà Vinh lao đao do nhiều diện tích lúa mất trắng không thể cứu được.
Gia đình bà Phan Thị Lan, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú chỉ có nguồn thu nhập từ 1,7 ha trồng lúa 3 vụ trong năm; nhưng giờ đây đã bị mất trắng 1 ha do không đủ nước tưới. Hiện gia đình bà đang nỗ lực cứu 0,7 ha lúa 45 ngày tuổi còn lại. Điều lo lắng là diện tích này cũng đang bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới dẫn đến cháy lá, không biết cầm cự được bao lâu.
Bà Lan cho biết, những năm trước, đây là vụ lúa trúng nhất, năng suất luôn đạt từ 6-7 tấn/ha, cao hơn từ 1-2 tấn/ha so với vụ Hè Thu và Thu Đông. Nhưng vụ Đông Xuân này, mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng khiến gia đình bà trở tay không kịp. Cây lúa bị thiệt hại, giờ bà chỉ biết tận dụng cắt làm thức ăn cho bò.
Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Thạch Thuốc, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú cũng chỉ biết tận dụng lúa thiệt hại để làm thức ăn nuôi bò. Gia đình ông trồng 3 ha lúa vụ Đông Xuân này. Sau khi xuống giống khoảng 10 ngày, cây lúa yếu dần, càng tưới nước càng thiệt hại nhiều. Trước tình hình vậy, gia đình ông đầu tư 18 triệu đồng tiền mua phân, thuốc để cứu lúa, nhưng đến nay chỉ cứu được 20% diện tích; 80% diện tích còn lại mất trắng.
Ông Thuốc đang lo lắng 20% diện tích này thời gian tới tiếp tục bị ảnh hưởng hạn, mặn, bởi còn hơn 1 tháng nữa mới tới thời điểm thu hoạch. Ông Thạch Thuốc cho biết, năm nay, hầu hết diện tích lúa của nông dân ở đây đều bị thiệt hại.
Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nặng nhất tỉnh. Từ tháng 12/2019 đến nay, 7 cống điều tiết nước trên địa bàn huyện phải đóng triệt để ngăn mặn. Hiện tại, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của Trà Cú chủ yếu lấy từ cống Tân Dinh, Bông Bót của huyện Cầu Kè, và 1 phần cống Láng Thé, Cái Hóp của huyện Càng Long.
Vụ lúa Đông Xuân này, toàn huyện xuống giống 10.310 ha, đến nay, 2.658 ha đã bị thiệt hại, chiếm khoảng 50% diện tích lúa bị thiệt hại của tỉnh; trong đó, hơn 1.700 ha của 2.500 hộ bị thiệt hại trên 30% đang đứng trước nguy cơ mất trắng không thể cứu vãn. Bởi nếu "cứu" những diện tích này, chi phí sản xuất sẽ tăng rất cao, đến cuối vụ nông dân càng bị thua lỗ nặng hơn. Đối với các ruộng lúa bị thiệt hại dưới 30% diện tích, ngành nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ nông dân cứu lúa, chủ yếu tập trung vào công tác bơm tiếp nước.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, ngành nông nghiệp địa phương tăng cường kiểm tra các tuyến kênh nội đồng, nơi nào bơm chuyền được thì hỗ trợ nông dân bơm chuyền từ kênh cấp II lên kênh cấp III. Ngành cũng vận động và hỗ trợ người dân trục vớt lục bình trên các tuyến sông để khơi thông dòng chảy, điều tiết nguồn nước. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng để trữ nước phục vụ sản xuất.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện độ mặn trên 2 tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu đang ở mức cao, thường xuyên trên 5‰; độ sâu xâm nhập mặn phía sông Cổ Chiên đã lên đến 56 km và sông Hậu 65 km, tăng từ 14-30 km so với 10 ngày trước.
Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha, đạt trên 88% so với kế hoạch. Trong số này, khoảng 5.160 ha lúa của gần 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng; trong đó, 3.236 ha bị thiệt hại trên 30% diện tích đang đứng trước nguy cơ mất trắng hoàn toàn do không cứu được.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn. Cùng với quan trắc môi trường nước, thường xuyên theo dõi khi độ mặn xuống mức cho phép thông báo cho nông dân lấy nước ngọt tưới tiêu, tích trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy...
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, sử dụng phân bón cho vùng đất nhiễm phèn, mặn cần có chứa các chất P2O5, CaO, MgO, SiO2 và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng sức chống chịu cho cây lúa. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh, nông dân chỉ có thể cứu những diện tích thiệt hại dưới 30%; dự báo vụ lúa Đông Xuân này, toàn tỉnh sẽ có hơn 34.000 ha bị thiệt hại.
Tại Bến Tre: Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nay, trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên, nước mặn xâm nhập rất nhanh và ở mức sâu hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng từ 48- km. Độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83 km. Đặc biệt, nước mặn tấn công vào sông Hàm Luông với cường độ rất nhanh.
Hiện nay, nước mặn đã bao phủ gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre. Vì vậy, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương trong tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt nhằm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp, chính quyền và nhân dân theo dõi sát diễn biến nước mặn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là phát huy tín nhắn độ mặn qua SMS, zalo, facebooks… rất nhanh chóng, kịp thời đến tận người dân. Các biện pháp ngăn mặn, trữ ngọt, tiết kiệm nước được người dân ứng dụng và nhân rộng. Đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng nước mặn trên 1‰ tưới cho cây trồng, tận dụng biện pháp lấy nước gạn (lấy nước lúc triều thấp) vào vườn cây.
Tỉnh Bến Tre đầu tư khoảng 70 tỷ đồng để thực hiện một loạt các công trình mang tính cấp bách để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho 3 nhà máy xử lý nước của công ty cổ phần nước Bến Tre để ‘cứu khát”.
Chẳng hạn như: đắp ngang kênh Xáng địa bàn xã Sơn Đông, thanh phố Bến Tre để tạo nguồn nước ngọt do lấy nước từ sông Bến Tre; nạo vét sông Mã (xã Sơn Đông) để lấy nước ngọt từ sông Ba Lai khu vực xã Phú Túc (huyện Châu Thành) về; nạo vét kênh Thương phế binh thuộc xã An Hiệp (huyện Châu Thành) để trữ nước ngọt và khẩn trương đắp 2 đập tạm trên sông Ba Lai, xã Tam Phước và Tân Phú để ngăn mặn, trữ 1 tỷ mét khối nước ngọt.
Ông Trần Văn Tuyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, huyện tập trung nạo vét thủy lợi nội đồng, gia cố hệ thống đê bao, sửa lạ các cái cống. Đến nay, tại các xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành đã hoàn thành 14/18 cống đập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư để ngăn mặn kịp thời.
Tuy nhiên, đối với nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở hai Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long (huyện Châu Thành) đang rất khó khăn. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre có 3 nhà máy xử lý nước mặt có quy mô lớn đặt tại xã An Hiệp, Hữu Định (huyện Châu Thành) và Sơn Đông (thành phố Bến Tre), có khả năng cung cấp 70.000 mét khối nước/ngày/đêm. Ở thời điểm này, nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy của công ty đều nhiễm mặn trên 1‰, nên bất đắc dĩ các nhà máy đều phải bơm nước mặn lên xử lý để cung ứng cho khách hàng.
Theo ông Trần Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre, giải pháp để khắc phục vấn đề này là đợi các công trình ngăn mặn khép kín sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt hoàn chỉnh thì mới có nguồn nước ngọt đảm bảo. Riêng công ty cũng có những giải pháp tình thế, nhất là tiếp tục chở nước đến phục vụ Khu công nghiệp Giao Long khi cần thiết.
Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, nếu tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, nguy cơ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng là rất lớn. Đáng chú ý, vụ lúa Đông Xuân năm 2020, tỉnh Bến Tre khuyến cáo không xuống giống do lo sợ ảnh hưởng hạn mặn. Tuy nhiên, người dân vẫn bất chấp khuyến cáo gieo sạ hơn 5.300 ha.
Hiện nay, do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn từ 2,5 - 3,5‰, gây thiệt hại cho các diện tích lúa gieo sạ. Số lượng lúa chết hơn 30% diện tích, các diện tích còn lại cây lúa không phát triển, cháy lá, các trà lúa đang vào giai đoạn làm đồng hạt lúa bị lép không thụ phấn được...