Kiểm tiền USD tại ngân hàng KEB Hana ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tiếp sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng Tư vừa qua, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12/6 tới cũng mở ra hy vọng Washington có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, tạo cơ hội cho các ngân hàng Hàn Quốc vào Triều Tiên hoạt động.
Theo các nguồn tin trong ngành ngân hàng, ngay từ đầu tháng này ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc đã có kế hoạch thành lập một bộ phận đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các hoạt động tài chính liên Triều. Bộ phận đặc biệt này sẽ nghiên cứu các chính sách, nền kinh tế và xã hội Triều Tiên, đồng thời xem xét các cơ hội kinh doanh tiềm năng của ngân hàng này.
Không chỉ có ngân hàng KEB Hana, Shinhan, một trong những tập đoàn tài chính hùng mạnh của Hàn Quốc, cũng đang tìm cách thành lập một nhóm tư vấn gồm các nhà lãnh đạo của một số công ty con nhằm thích ứng một cách có hệ thống với những thay đổi trong các mối quan hệ và hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Shinhan sẽ tìm kiếm một mạng lưới hợp tác với các chuyên gia Triều Tiên để đưa ra các chiến lược hỗ trợ tài chính cho hợp tác kinh tế liên Triều, tham gia các dự án liên doanh do các ngân hàng chính sách đứng đầu và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho kế hoạch cải cách tài chính của Triều Tiên.
Đầu tháng này, một ngân hàng chủ chốt khác là Woori Bank đã thành lập một đơn vị đặc biệt với nhiệm vụ hỗ trợ hợp tác tài chính liên Triều. Đơn vị này, gồm các quan chức từ tám phòng ban và Viện nghiên cứu tài chính Woori, sẽ hoạt động cho tới cuối tháng Bảy tới. Đơn vị này đang bàn bạc các cách thức để mở lại chi nhánh ở khu công nghiệp chung Kaesong đang bị đóng cửa.
Trong khi đó, theo các nguồn tin, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Hàn Quốc và các ngân hàng quốc doanh khác cũng đang tập trung thúc đẩy nghiên cứu về Triều Tiên với mục tiêu việc mở rộng hoặc thành lập các bộ phận nghiên cứu mới.