Các sản phẩm của chương trình nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch được định giá 290 tỷ đồng

Ngày 7/6, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố, định giá sản phẩm thiết kế lõi IP do Trung tâm thiết kế, xây dựng.

Các sản phẩm IP của ICDREC được Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) định giá 290 tỷ đồng.

Đại diện Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ trao chứng nhận định giá cho Trung tâm ICDREC.

Từ nguồn đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020, ICDREC đã hình thành các sản phẩm IP có giá trị về mặt thương mại. Các sản phẩm được định giá gồm: các chip vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý nhanh; các lõi IP chip Analog và Mix-signal và các sản phẩm được ứng dụng gồm điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm ứng dụng RFID, hệ thống đèn chiếu sáng.

Về hiệu quả đầu tư, nguồn đầu tư nhà nước là 213 tỷ đồng, đến nay giá trị công nghệ ICDREC đang sở hữu là 290 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh số chuyển giao công nghệ đã thực hiện là hơn tỷ đồng, doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ là 31 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm chip của ICDREC đã được ứng dụng vào các sản phẩm cụ thể như điện kế điện tử, modem GSM thu thập dữ liệu từ xa, thẻ và đầu đọc RFID, hệ thống giám sát container, hệ thống quản lý sản xuất PMS, hộp đen xe máy…

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, con số 290 tỷ đồng chưa phải là cao nếu so với mức đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, những chuyển giao vừa qua của ICDREC là chuyển giao công nghệ không độc quyền nên Nhà nước không mất công nghệ mà vẫn có thể tiếp tục chuyển giao. Để nâng cao hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các sản phẩm vi mạch và ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình kinh doanh và chuyển giao công nghệ; đồng thời, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi một số IP đang có sẵn sang công nghệ mới SOTB nhằm tạo ra các IP có giá trị hơn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Những sản phẩm được tạo ra thời gian qua là những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, một sản phẩm công nghệ quan trọng nhất là hướng đến thị trường, bởi không thương mại hóa được hoặc chậm thương mại hóa cũng xem như thất bại. Vì vậy, ICDREC cần thúc đẩy, phát triển thị trường để mang lại hiệu quả cao nhất. Thành phố đã đưa nội dung sử dụng công nghệ Việt vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để góp phần phát triển lĩnh vực này.

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Công nghệ vi mạch giúp xây dựng đô thị thông minh
Công nghệ vi mạch giúp xây dựng đô thị thông minh

Thời gian qua, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch, nhưng chủ yếu là nghiên cứu công nghệ vi mạch truyền thống nên hiệu quả chưa như mong muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN