Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang sử dụng những biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc; thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng... ở các trang trại chăn nuôi lợn tập trung nhằm chủ động được công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Song song đó, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương; nỗ lực kiểm soát được những trường hợp bán chạy gia súc mắc bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y...
"Có tổng đàn lợn thuộc diện lớn nhất nước với hơn 2,3 triệu con, trong đó có khoảng 330.000 con lợn nái, 4.900 con đực giống, còn lại là lợn thương phẩm nên chúng tôi rất quan tâm tới diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là ở quốc gia láng giềng Trung Quốc. Hiện hàng trăm chủ trang trại lợn trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp thông tin về dịch bệnh như: Lịch sử dịch bệnh, diễn biến, sự nguy hiểm của dịch bệnh, các giải pháp phòng chống... từ đó có giải pháp chủ động phòng chống", ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai thông tin.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đoàn liên ngành, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận huyện triển khai ngay các giải pháp phòng chống. Theo đó, có kế hoạch cụ thể thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh tại thành phố và trên cả nước; cung cấp nội dung tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về những tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi; giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi, nhất là tại khu vực chăn nuôi của các hộ nhập cư, thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch tễ theo định kỳ...
Riêng Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đã yêu cầu các trang trại thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện các trang trại chăn nuôi lợn đã áp dụng triệt để mô hình chuồng kín để kiểm soát vật mang trùng; trại nuôi phải có hàng rào bao quanh và cổng hạn chế con người hoặc động vật khác tự do ra vào trại; không mang thịt lợn, thực phẩm có chứa thịt lợn vào trại; không sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn cho lợn ăn...
Chưa có vắc xin phòng bệnh, gây ra tỉ lệ chết cao và nguy hiểm hơn nhiều so với bệnh lợn tai xanh và lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi thường có tỉ lệ tử vong 100%. Theo các chuyên gia trong ngành, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi trong nước. Điều đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh chính là sự vận chuyển của những sản phẩm thịt lợn chứ không phải con sống mới có thể lây lan dịch bệnh nhanh chóng.
"Từ ổ dịch đầu tiên phát hiện vào ngày 1/8, đến nay Trung Quốc đã có khoảng 14 ổ dịch được ghi nhận. Thời gian qua, giá lợn trong nước cao đã tạo sự chênh lệch, tạo điều kiện cho buôn lậu lợn hơi từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này rất dễ kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế, nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao", ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai lo lắng.