Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Nhìn trên sơ đồ hiện nay thì việc phân bổ hoạt động của các tuyến buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị không đều, quá tập trung tại các nhà ga trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung, trong khi các nhà ga nằm sâu trong nội đô như Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh thì số lượng tuyến buýt lại ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.
Nhằm đảm bảo kết nối xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, mỗi ga của tuyến đường sắt này, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nôi sẽ điều phối để có thêm nhiều tuyến xe buýt để giúp hành khách di chuyển.
Theo đó, số lượng tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện nay khá lớn, khi mà đường sắt trên cao đi vào hoạt động thì Hà Nội sẽ điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A (số 02, 21, 27, 33) và duy trì hoạt động của tuyến buýt số 01 (Bến xe Gia Lâm – Yên Nghĩa).
Cụ thể, điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt đô thị, duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bên cạnh đó, bổ sung thêm 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị.
Như vậy, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng dưới 500 m; 11/12 nhà ga sẽ có điểm dừng xe buýt ngay dưới chân nhà ga; kèm theo đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số nhà chờ dọc tuyến lên con số 28.