Nhìn nhận lại năm 2017 và những nhiệm vụ đạt ra với ngành năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN |
Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được trong năm 2017?Năm qua, ngành đã gặp thách thức rất lớn cả về thiên tai và thị trường. Tuy nhiên, ngành vẫn đạt mức tăng trưởng tốt.
Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 0,1%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng đạt 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với năm trước. Thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.
Cùng với đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, tương đương 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%.
Về tăng trưởng, ấn tượng nhất là 2 ngành hàng: thủy sản và trái cây. Đây là hai ngành hàng từ lâu chúng ta đều xác định có dư địa phát triển. Năm vừa qua, chúng ta đã tập trung mạnh vào 2 nhóm ngành hàng chủ lực quan trọng này. Chính vì vậy đã đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, rau quả trên 40%, tôm 22%.
Việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra đã bước đầu khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm nay, có nhiều tín hiệu tốt về doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Làm sao để “giữ chân” được doanh nghiệp cũng như giúp họ có cơ hội mở rộng đầu tư hơn vào ngành, thưa Bộ trưởng?Chúng ta đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một trong những nội dung then chốt của tái cơ cấu đó là hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu cho đến chế biến, phát triển thị trường. Trong chuỗi này, doanh nghiệp là hạt nhân trong liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân. Chính vì vậy các biện pháp, chỉ đạo, phối hợp với doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ quan trọng.
Sau rất nhiều năm, năm 2017 có tín hiệu rất vui là đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.
Đây là tín hiệu tốt, nhưng để giữ chân được các doanh nghiệp cũng như tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp trước hết phải cải cách hành chính. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là đơn vị đầu tiên phối hợp tới các bộ, địa phương tháo gỡ những thủ tục hành chính để củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành. Trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, tỉnh, thành phố để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng đồng hành với doanh nghiệp, đó là khi doanh nghiệp gặp khó vấn đề gì phải tập trung ngay vào tháo gỡ. Không chỉ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung tháo gỡ thị trường. Khai thác tốt các Hiệp định thương mại đã ký kết, để khai thác tối đa các lợi thế khi mở cửa thị trường. Cùng với các thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường có tiềm năng.
Đi đôi với phát triển xuất khẩu cũng phải tập trung thị trường trong nước. Coi 93 triệu dân là thị trường có trách nhiệm phục vụ. Khai thác thị trường này với tốc độ phát triển nhanh để đảm bảo sự phát triển một cách bền vững và mục tiêu kép đó là phục vụ những sản phẩm tốt cho chính thị trường nội địa.
Những giải pháp tổng hợp đó để làm sao không chỉ níu giữ mà động viên, khích lệ nhiều doanh nghiệp hơn đến với nông nghiệp. Trên cơ cơ sở đó cùng với địa phương phát triển thêm các hợp tác xã kiểu mới, trở thành trụ cột liên kết với trên 10 triệu hộ nông dân, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa khép kín từ nguyên liệu, chế biến, đến phát triển thị trường.
Năm 2018, ngành sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa Bộ trưởng?
Có 3 nội dung then chốt không chỉ trong năm 2018 mà cả thời gian tới. Một là tái cơ cấu theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục duy trì và triển khai có trách nhiệm để có hiệu quả hơn, bền vững hơn, sâu sắc hơn.
Thứ hai là tiếp tục Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là một chủ trương, kế hoạch tổng thể của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tập trung cho khu vực này nên chúng ta phải tập trung nhiều hơn nữa.
Hiện nay chúng ta mới đảm bảo 32% số xã, so với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phấn đấu 50% số xã trong tổng số gần 9.000 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Đây là 1 nhiệm vụ rất lớn, do đó cần tập trung vào chương trình đi sâu vào chất với 3 tiêu chí cơ bản: thúc đẩy sản xuất, xử lý môi trường và an ninh, trật tư xã hội gắn với văn hóa. Đây là 3 trụ cột trong 19 nhóm tiêu chí.
Thứ ba là tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, vì nước ta là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất trong tác động của biến đổi khí hậu với nhiều dạng hình khí tượng thủy văn, các loại hình thiên tai cực đoan diễn ra, điển hình là năm 2016 và năm 2017. Riêng năm 2017, có 6 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới tác động đến chúng ta, gấp đôi bình thường và gây ra những dị thường thời tiết cực đoan. Từ lũ ống, lũ quét ở miền núi phía Bắc cho đến 3 cơn bão cấp 12 như vừa qua cho thấy thiên tai đối với Việt Nam là hết sức khốc liệt.
Vì vậy, đi đôi với phát triển kinh tế thì vấn đề ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ then chốt luôn luôn phải đặt ra trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!