Ngành nông nghiệp ĐBSCL thích nghi với biến đổi khí hậu

Nằm ở vị trí cuối nguồn của lưu vực sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng châu thổ trù phú, vựa lúa, nguồn lợi lớn về tôm, cá, những miệt vườn hoa quả nhiệt đới... cung cấp sinh kế không chỉ cho người dân địa phương mà còn cả trên khắp Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến nguồn lợi to lớn trên, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân trong khu vực.

Trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu, chưa bao giờ vấn đề làm sao giúp ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL chung sống với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội lại được đặt ra cấp bách như giai đoạn hiện nay. 

Phát triển chăn nuôi gia súc, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ làm thức ăn đang là hướng đi mới của nhà nông trong thời buổi biến đổi khí hậu.

Thay đổi tư duy 

Hiện trạng ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng thời gian dài thường đưa ra dự kiến kế hoạch sản xuất diện tích, sản lượng trước, sau đó mới yêu cầu ngành thủy lợi làm những công trình đáp ứng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần nhanh chóng thay đổi lại tư duy từ 1 chiều thành 2 chiều, phải làm ngược lại, dựa trên bài toán cân bằng nước (khả năng cung cấp cả về số lượng và chất lượng nước) để điều chỉnh lại cơ cấu canh tác thời vụ sao cho phù hợp nhất là điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động của nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Mekong. 

"Hiện nguồn nước của sông Mê Công chưa được sử dụng hết kể cả về mùa mưa và mùa khô. Do đó, việc đánh giá khả năng tác động của các nước ở thượng lưu đến ĐBSCL cần đặt ra những kịch bản phát triển cho các giai đoạn khác nhau theo cả 2 chiều. Công tác quy hoạch đúng, trúng cho toàn vùng ĐBSCL không phải dễ nhưng cũng không phải không làm được. Điều quan trọng là với thể chế hiện tại, chúng ta phải làm sao liên kết được các địa phương, các ngành lại với nhau dựa trên căn cứ vào thực tế hiện tại và xu thế diễn biến tương lai của cả điều kiện tự nhiên và sự vận động của xã hội", ông Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường cho biết. 

Theo số liệu khảo sát của ngành tài nguyên môi trường, đến nay khu vực ĐBSCL có hơn 2.500 quy hoạch được lập, bao gồm cấp vùng, địa phương với nhiều góc nhìn khác nhau. Điều đáng quan tâm là do chưa có kim chỉ nam đúng tầm đã dẫn đến những quy hoạch được lập hầu hết chỉ mang tính riêng rẽ, nhiều quy hoạch thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đã gián tiếp gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực đất nước. 

"Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các ngành, các địa phương tổ chức, sắp xếp lại tư duy trong quy hoạch. Chúng ta phải xác định coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường... Trong đầu tư phát triển kinh tế nên ưu tiên bố trí vốn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án ứng phó biến đổi khí hậu cả về công trình, phi công trình; rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn để ưu tiên đầu tư trước cho những dự án trong danh mục quan trọng...", ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý.

Nền nông nghiệp thích nghi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian quan đơn vị này đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL. Theo đó Bộ đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa hiện đã đạt diện tích chuyển đổi đất trồng lúa toàn vùng hơn 78.375 ha, chuyển nhiều nhấ́t sang rau, dưa hấu, ngô... Song song đó Bộ cũng đã kết hợp các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu ở những khu vực ven biển, thu hẹp lúa xuân hè và tăng vụ thu đông. Kết quả là hiện diện tích lúa xuân hè đã giảm khoảng 30.000 ha, đồng thời tăng diện tích lúa thu đông từ 472.000 ha năm 2005 lên 824.000 ha vào năm 2016.

Ngoài ra các Viện nghiên cứu của Bộ cũng đã lai tạo và công nhận 41 bộ giống lúa sản xuất thử, trong đó có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. "Các quy trình canh tác lúa bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu như Ba giảm, ba tăng, một phải năm giảm, một phải sáu giảm kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (AWD), tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong vùng. Nhiều mô hình cánh đồng lớn đã ra đời tại ĐBSCL giúp nông dân sản xuất nhỏ hình thành các vùng sản xuất lớn kết nối với doanh nghiệp dựa trên cơ chế hợp đồng, đạt tổng diện tích gần 197.000 ha", ông Nguyễn Hùng Sơn, cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, trong ngành chăn nuôi, hiện đã có nhiều mô hình thích ứng tốt với biến đổi khí hậu như: vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến, ong... Đồng thời, các địa phương cũng đang cố gắng phát triển chăn nuôi bò thịt, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như là rơm, rạ làm thức ăn. Với ngành lâm nghiệp, rừng ngập mặn đã được chú ý phát triển trở lại tại một số địa bàn. Riêng ngành ngành thủy sản, đã có những giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu như rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp của mỗi vùng; kịp thời hướng dẫn người nuôi cải tạo ao đầm, thả giống cỡ lớn sau để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả... Còn ngành thủy lợi, đã đảm bảo chủ động tưới cho 90% và tiêu 80% diện tích lúa vụ đông xuân - hè thu, hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

"Đặc biệt đã có nhiều mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như tôm lúa, tôm rừng tại vùng ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Nông dân ĐBSCL đã tích cực chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi, từ nuôi chuyên tôm sang nuôi ghép với cua, cá biển ở các vùng nuôi quảng canh. Các vùng nuôi thâm canh/siêu thâm canh tôm cũng có giải pháp công nghệ nuôi tôm ít thay nước, ương/vèo cỡ giống tôm lớn mới thả để đảm bảo hiệu quả thả nuôi trong điều kiện hạn, mặn", ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nói thêm.

Chuyển đổi cơ cấu

Từ một vùng nông nghiệp giản đơn chủ yếu là lúa nổi với sản lượng chỉ khoảng 4 triệu tấn thóc, hiện ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Hiện ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, các tỉnh thành ĐBSCL còn góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32 tỷ USD vào năm 2016 với thặng dư 7,5 tỷ USD. Với tác động của biến đổi khí hậu, nông nghiệp ĐBSCL sẽ không còn trù phú, cải thiện sinh kế và việc làm người nông dân trở nên khó khăn hơn khi tác động của nó đến khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lớn nhất và sớm nhất. 

"Mặc dù nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy, nhưng chúng ta vẫn phải khẳng định đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thanh vùng nông nghiệp giàu có của đất nước, của khu vực và của hội nhập thế giới. Và như vậy công việc cần làm ngay lúc này là phải nganh chóng tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững trước những biến động đang và sẽ diễn ra", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường việc tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phải dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới; Trong đó dựa trên sự phân vùng tương đối thượng nguồn sông, khu vực giữa và khu vực biển sẽ xác định làm cơ sở cho việc lựa chọn những sản phẩm chủ lực tạo ra sự phù hợp nhất có thể, để tổ chức lại sản xuất. Đây cũng chính là phát huy lợi thế so sánh, giảm thiểu rủi ro, hạ giá thành sản phẩm, tăng cơ hội lợi nhuận cao. Đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, ngọt vốn từ lâu là một thế mạnh có tiềm năng mở rộng nhưng thời gian tới sẽ phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc chủ động quản trị nguồn nước, không được khai thác nước ngầm (một nguyên nhân quan trọng gây ra sự sụt lún).

"Tổ chức sản xuất phải được thúc đẩy để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trang trại hình thành, phát triển, liên kết chặt chẽ với nhau trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông trong mối liên kết chặt chẽ giữa tiểu vùng và toàn vùng. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu kinh tế xã hội. Cùng với tăng trưởng nông nghiệp phải tập trung chuyển đổi lao động sang các khu vực II, III làm cho nông nghiệp hiện đại hơn; kết cấu dân cư văn minh và bền vững hơn. Đây là những cơ sở cơ bản để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, ban ngành chức năng thời gian tới cùng hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng các biến đổi, gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới", ông Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Ông Tô Văn Trường Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và môi trường: 

Thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng 


Đã đến lúc ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, chú trọng công nghệ chế biến và công nghệ phụ trợ. Ngoài ra phải sử dụng hiêu quả tài nguyên nước thông qua định giá sản phẩm hàng hoá nước hợp lý, khoa học và bảo vệ môi trường sinh thái. ĐBSCL chỉ nên tập trung nông nghiệp công nghệ cao cho con tôm, khó có khả năng làm cho cây lúa. Nền nông nghiệp ĐBSCL chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận và thu nhập tính trên ha hơn là tính trên đồng vốn và người lao động. ĐBSCL cũng cần ưu tiên làm qui hoạch vùng/liên kết vùng. Vấn đề này Thủ tướng đã có quyết định 953QĐ - TTg, ngày 6/4/2016 về liên kết phát triển ĐBSCL. Mục tiêu là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, nâng cao sinh kế tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái. 


GS Võ Tòng Xuân - Đại học Nam Cần Thơ:

Xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu... 


Trong quy hoạch trước tiên chúng ta cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu, đang hoặc sắp cần để từ đó có kế hoạch, chiến lược triển khai đúng, trúng. Yếu tố chúng ta chọn là những cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt và có thể sử dụng nước mặn. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành những mặt hàng cung cấp cho thị trường. Cách tổ chức sản xuất phải làm sao giúp mỗi địa phương trên địa bàn ĐBSCL chủ động quy hoạch phù hợp cho mỗi cây, con chiến lược đã xác định. Nhà nước và nhà doanh nghiệp cùng quy hoạch vùng trên nguyên tắc “nới rộng hạn điền" để nhà doanh nghiệp có nhiều cánh đồng lớn, trong khi nông dân không bị mất đất mà lại có việc làm tham gia sản xuất nguyên liệu cho nhà đầu tư. Quy hoạch thời gian tới là quy hoạch để thực hiện ra thị trường luôn, chứ không chỉ để báo cáo hoặc trưng bày. Trong quy hoạch phải chú ý đến những vấn đề sau: Vì phải thực hiện trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt và đất đai ngày càng hạn chế nên một số cây trồng phải giảm lại (vì kém hiệu quả lại thặng dư nhiều); một số cây con khác sẽ phải phát triển rộng hơn (giá cao, nhu cầu cao); Vùng sản xuất được quy hoạch phải có công nghiệp phụ trợ kèm theo; Khu công nghiệp có nhà máy chế biến hoặc bảo quản... 


Ông Nguyễn Xuâm Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Rà soát và điều chỉnh các quy hoạch nông nghiệp vùng ĐBSCL


Ngay lúc này các ngành chức năng cần nhanh chóng nhập cuộc nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế, từ đó xác định hướng điều chỉnh quy hoạch các ngành hàng chiến lược theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích cây ăn trái, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn/ngập lợ, giảm diện tích lúa đặc biệt lúa 3 vụ, tăng sản lượng chăn nuôi. Song song đó công tác quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phù hợp với cơ chế giữ lũ, ngăn mặn linh hoạt hơn và phục vụ nhiều hệ thống canh tác khác nhau, đặc biệt thủy sản và trái cây cũng phải được quan tâm nghiên cứu. Trong quy hoạch phải quy hoạch rõ những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo các tiểu vùng và có chế tài thực hiện và quản lý nghiêm quy hoạch. Tại các vùng chuyên canh, quy hoạch những vùng lõi để phát triển cụm các cơ sở kho chứa, bảo quản, sơ chế và các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất như vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc, máy móc thiết bị...), dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ cơ khí... Tại những thành phố lớn của tiểu vùng, quy hoạch các khu công nghiệp chế biến sâu sản phẩm và các phụ phẩm để tối đa hóa giá trị sản phẩm và các dịch vụ hậu cần (bao bì, nhãn mác, đóng gói, vận chuyển...). Quy hoạch và quản lý nghiêm quy hoạch rừng ngập mặn, ngập lợ giúp đảm bảo cân đối môi trường, sinh thái. Xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường để tạo sinh kế cho người dân phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn/ngập lợ. Riêng ngành giao thông thời gian tới sẽ tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông đường thủ̉y, đường bộ, cảng biển, bổ sung quy hoạch đường sắt để kết nối trong vùng chuyên canh, kết nối các vùng chuyên canh với nhau, kết nối vùng chuyên canh với khu vực chế biến và kết nối với thị trường; tránh việc chia cắt bất hợp lý. Quy hoạch hệ thống năng lượng đủ công suất và độ bao phủ đến các vùng sản xuất. Quy hoạch lại khu đô thị và vùng dân cư nông thôn chuyển từ bố trí theo tuyến sang theo cụm và lùi vào phía trong bờ biể̉n/bờ sông để đả̉m bả̉o an toàn trướ́c các ả̉nh hưởng củ̉a lũ, nước biển dâng, ngập mặn.


Lê Nghĩa/Báo Tin tức
Hoàn thiện Đồ án 'Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long'
Hoàn thiện Đồ án 'Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long'

Ngày 19/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cùng với lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN