Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - là người được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”.
Đà Nẵng là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xin ông cho biết chủ trương triển khai và những "trái ngọt" đã thu hoạch?
Qua 13 năm triển khai thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Đà Nẵng luôn là một trong những tỉnh/thành phố nằm trong nhóm dẫn dầu cả nước. Để đạt được thành tích này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo và nhân dân thành phố.
Đầu tiên là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với chỉ số PCI. Điều đó được thể hiện cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị cũng như trong điều hành và các hoạt động cụ thể của bộ máy quản lý nhà nước. Lãnh đạo Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố đã liên tục có những chỉ đạo cụ thể trong cải cách hành chính và các chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đà Nẵng luôn quán triệt nhận thức về việc cải thiện môi trường đầu tư nói chung và cải thiện chỉ số PCI đến tập thể lãnh đạo cũng như đến các cán bộ công chức, viên chức thành phố.
Đặc biệt thành phố luôn có những chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt trong cải cách hành chính nhằm thực hiện đơn giản hóa các lĩnh vực, thủ tục hành chính qua đó cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính, góp phần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
UBND thành phố đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, mạnh mẽ và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, ban hành kế hoạch thực hiện tại từng đơn vị.
Thành phố đã nỗ lực trong việc ban hành các cơ chế phối hợp, một cửa liên thông giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố với nhau và với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để tập trung thực hiện ở những lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; xây dựng và quản lý đô thị. Thành phố đã có những bứt phá trong việc đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng; tiếp cận điện năng; các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp cũng đã được thành phố tập trung đầu tư phát triển với việc ban hành Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, UBND thành phố đang xem xét việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thành phố Đà Nẵng.
Năm 2017, số điểm PCI của Đà Nẵng tiếp tục tăng, tuy nhiên vẫn xếp thứ 2 sau Quảng Ninh, vậy Đà Nẵng cần giải quyết những vấn đề gì để năm 2018 giành lại “ngôi vương”?
Có thể nói vị trí dẫn đầu về điểm số PCI chưa phải là mục tiêu, đích đến cuối cùng của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Điều mà thành phố quan tâm là phải vượt lên trên chính mình, phải hướng đến những lợi ích thật sự cho doanh nghiệp, thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư. Thành phố luôn trăn trở về trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình và không ngừng đổi mới, kiến tạo để tiến lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả PCI năm 2017, thành phố có đến 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng; 2 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng tụt hạng và 3 chỉ số thành phần cải thiện về điểm số và thứ hạng. Từ kết quả PCI năm 2017 của thành phố cho thấy, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố phải có những chấn chỉnh nhất định trong lãnh đạo, điều hành trên địa bàn. Đặc biệt, phải có những chủ trương quyết liệt trong việc cải thiện các chỉ số thành phố trong năm qua thành phố có sự giảm sút.
Bên cạnh, thành phố phải thường xuyên quan tâm đến việc tiếp cận đất đai, đào tạo lao động… là những vấn đề hiện tại và liên quan đến định hướng phát triển lâu dài. Cùng đó, phải tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông và phục vụ sản xuất. Đồng thời, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm việc.
Vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp nào để đạt kết quả tốt nhất trong "Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018"?
Tính đến nay, thành phố đã có 317 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn là 89.670 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư FDI trong quý I/2018 thành phố thu hút được 33 triệu USD, tăng 128% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 577 dự án FDI với tổng vốn FDI là 3,062 tỷ USD; trong đó, đứng đầu là nhà đầu tư Singapore, đứng thứ hai là Nhật Bản; đứng thứ 3 là Hoa Kỳ và vị trí thứ 4 là Hàn Quốc.
Để tận dụng hiệu ứng từ Hội nghị cấp cao APEC và Diễn đàn đầu tư 2017 đã được tổ chức thành công, Đà Nẵng đang tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của thành phố; mở rộng các kênh truyền thông, đặc biệt là các kênh quốc tế để tăng hiệu quả quảng bá. Tranh thủ các mối quan hệ với tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại của nước ngoài tại Việt Nam để nắm bắt danh sách các doanh nghiệp đang có nhu cầu phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh tại các nước.
Theo đó, Đà Nẵng tập trung vào một số ngành nghề trọng điểm, phù hợp với điều kiện mà thành phố có thể đáp ứng, mời các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ngoài ra, nghiên cứu xử lý sớm thủ tục liên quan đến các dự án đã được trao Thông báo nghiên cứu đầu tư dự án tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 để nhanh chóng tiến tới cấp phép thực hiện dự án; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang xúc tiến như Công viên phần mềm số 2, Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm mở rộng… để tăng quỹ đất thu hút đầu tư.
Thành phố chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ, tiện ích trong các khu công nghiệp phục vụ chuyên gia và người lao động; trong đó phát triển đầy đủ các dịch vụ tiện ích đi kèm như khu nhà xưởng cho thuê, khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân, khu ươm tạo phát triển doanh nghiệp, khu nghiên cứu và phát triển, công viên cây xanh...
Hiện Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và một phần diện tích giai đoạn 2 với diện tích gần 400 ha đất sạch đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Ngoài ra, chính quyền thành phố sẽ có giải pháp kết nối hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố đến khu công nghệ cao và các khu công nghiệp mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư.
Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng lao động và nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động cho các ngành mũi nhọn như du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin; khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ dự án chuyển đổi ngành nghề hoạt động theo hướng thân thiện môi trường, thay đổi công nghệ sản xuất, sử dụng máy móc thay cho lao động phổ thông. Đồng thời xây dựng đề án hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, học sinh để đảm bảo phân bổ nguồn lao động hợp lý; có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lao động chất lượng cao và chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc cho thành phố.
Trân trọng cảm ơn ông!