Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) có hiệu lực từ năm 2015. Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ chế, chính sách đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường sự giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
"Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trở thành cổ đông, thành viên và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. Thế nhưng, khái niệm về vốn Nhà nước tại Luật 69 không còn phù hợp, có sự lẫn lộn, sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tài sản của doanh nghiệp", TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế thống nhất: Luật 69 cần sửa đổi theo hướng làm rõ vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Sau khi đầu tư, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn góp, cổ phần tại doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư và cổ đông của doanh nghiệp. Phía cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều do Ban điều hành thực hiện; cần tách chức năng quản lý của chủ sở hữu Nhà nước với quản lý điều hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thay đổi theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn Nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, theo đó, đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới, quản trị tại các DNNN theo hướng công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước, thúc đẩy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể tại doanh nghiệp.