Cần chế tài mạnh với vi phạm xả thải khu công nghiệp

Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đến môi trường khu công nghiệp được đánh giá là tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên tình trạng doanh nghiệp xả thải thẳng ra môi trường vẫn diễn ra.


Nhiều doanh nghiệp vẫn xả thải tự do

Công ty TNHH Ngân Giang thiết bị điện G7 là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên thực hiện xây dựng và đầu tư cơ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Tuy nhiên, sau 13 năm (từ 2002), đến nay công ty mới bắt đầu “thương thảo” việc đấu nối vào khu xả thải tập trung tại KCN cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, việc đấu nối vẫn chưa thực hiện được vì hiện tại công ty đã tạm dừng sản xuất do không có hợp đồng. Ông Phí Văn Hoan, Giám đốc công ty cho biết, việc đấu nối vào khu xả thải chung của KCN đã được bàn thảo cách đây nhiều năm, nhưng vì hai bên không nhất trí được chi phí thuê hạ tầng cũng như chi phí đấu nối nên việc đấu nối bị “ngưng trệ”.

Nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Ðức, KCN Quang Minh.

Hiện KCN này có khoảng 150 DN đang hoạt động với gần 270.000 công nhân. Tính đến tháng 12/2014 thì còn hơn 30 DN chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống xả thải chung, nhưng đến nay thì còn dưới 10 DN chưa thực hiện đấu nối. Trạm xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1, với công suất 3.000 m3/ngày, đêm) đi vào hoạt động từ tháng 3/2009. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đầu đi kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng KCN Quang Minh vào tháng 5/2015, KCN Quang Minh chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước, chất thải đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nước sinh hoạt khu dân cư. Cùng với đó, để được sử dụng hệ thống xử lý nước thải DN phải trả phí dịch vụ khá cao, khiến nhiều DN xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Những câu chuyện như trên không phải là hiếm gặp tại các KCN. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 10/2014, trong số 209 KCN đã đi vào hoạt động có 165 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79% tổng số KCN đang hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều KCN đã có trạm xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam. Đó là các KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ), KCN Thụy Vân (Phú Thọ), KCN Tam Điệp (Ninh Bình)... vẫn tồn tại tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nước thải KCN phần lớn chứa nhiều thành phần nguy hại nên nếu không được xử lý thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực lân cận, nghiêm trọng hơn là đe dọa sức khỏe của người dân.

Xử lý hình sự

Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội nêu thực tế, DN xả thải với số lượng nhiều nhưng khai với các cơ quan chức năng ít. Bên cạnh đó, những vướng mắc từ thực tế triển khai NĐ179/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường cũng khiến lực lượng chức năng khó khăn trong xử lý vi phạm.

Pháp luật hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ trách nhiệm của các DN, từ chủ đầu tư KCN đến các DN trong việc thực hiện đầy đủ cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với KCN thì phải xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN. Còn DN trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Ðức, KCN Quang Minh cho biết, để có thể kết luận được nguồn nước xả thải của DN không đạt chuẩn không hề dễ dàng. Cần phải thực hiện kiểm tra, lấy mẫu, chi phí cho mỗi lần dao động từ 1 - 2 triệu, nhưng phải nhiều lần mới kết luận. “Có kết luận rồi, chưa hẳn đã xử lý được DN xả thải bởi vì DN kinh doanh hạ tầng cũng chỉ là DN ngang bằng về vị trí pháp lý, nên phải phối hợp với các lực lượng chức năng, qua rất nhiều công đoạn, đó là chưa kể trường hợp DN vi phạm... xin để được tự giải quyết, tự hoàn thiện nên rất khó xử lý”, ông Sơn cho biết.

Thừa nhận vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hoạt động của nhiều KCN còn gây ô nhiễm do chất thải, nước thải. Qua thanh, kiểm tra cho thấy, còn nhiều DN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như: Thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác...

Trong khi đó, việc thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại địa phương còn một số tồn tại hạn chế như lực lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra còn mỏng, năng lực còn hạn chế; chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện cần thiết... Thêm vào đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ; mạng lưới quan trắc, thống kê nguồn thải chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ.

Ông Tùng cho biết thêm, để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường việc thanh, kiểm tra, tăng cao mức xử phạt và sắp tới sửa Luật Hình sự sẽ cho phép đưa ra tòa xử lý hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) đối với trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, sẽ có những văn bản pháp luật quy định cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải tại các khu công nghiệp.
Bài và ảnh: Thu Trang
DN nhựa ngang nhiên xả thải, 60ha lúa chết thối
DN nhựa ngang nhiên xả thải, 60ha lúa chết thối

Dù đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính vì xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng Công ty TNHH Tuấn Cường Plastic đóng tại địa bàn xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vẫn ngang nhiên xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN