Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009 đã đặt ra mục tiêu quan trọng là chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Sau 3 năm thực hiện Nghị định 84, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của Nghị định này để rút ra kinh nghiệm cần thiết cho việc vận hành thị trường xăng dầu. Phóng viên Báo Tin tức đã phỏng vấn tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền, nguyên cố vấn kinh tế Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, về vấn đề này.
´Thưa bà, bà đánh giá thế nào về thành công cũng như những hạn chế qua 3 năm thực hiện Nghị định 84?
Sau khi thực hiện Nghị định 84 được vài tháng thì giá xăng dầu thế giới tăng rất nhanh và rất cao nên chủ trương để cho doanh nghiệp quyết định giá phải dừng lại, rồi chu kỳ điều chỉnh giá không quá xa thì lúc bấy giờ do yêu cầu kiềm chế lạm phát nên Chính phủ có quyết định không tăng giá xăng dầu. Như vậy, trong nhiều tháng giá xăng dầu đã bị kìm giữ lại không tiếp cận với giá thế giới, không có sự vận động theo cơ chế thị trường. Đấy là vướng mắc lớn nhất ngay sau khi Nghị định 84 ra đời. Việc trì hoãn điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường ở một số thời điểm đã làm cho ý thức về chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường của Thủ tướng và Chính phủ không được duy trì nhất quán. Theo tôi, mục tiêu chống lạm phát có thể tiếp cận bằng nhiều cách, bằng nhiều công cụ chứ không chỉ bằng việc kìm giá xăng dầu.
Một vấn đề nữa là chu kỳ điều chỉnh giá cũng có lúc do can thiệp hành chính nên giữa 2 lần điều chỉnh giá dãn ra rất dài. Có những lúc chu kỳ điều chỉnh giá có thể ngắn hơn thì mới bắt nhịp được diễn biến giá thế giới thì chúng ta lại để hơi lâu. Thành ra lúc thì thời gian điều chỉnh giá quá dài, khi lại cho phép thực hiện điều chỉnh giá sau 10 ngày. Việc đang từ điều chỉnh giá hằng tháng sang 10 ngày, 20 ngày cũng làm cho người tiêu dùng cảm thấy có gì đó không được minh bạch trong điều hành giá cả của các cơ quan quản lý và các đầu mối kinh doanh xăng dầu.
´Nếu hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì mức độ can thiệp của Nhà nước sẽ đến đâu để vẫn đảm bảo quản lý được thị trường xăng dầu, thưa bà?
Sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước sẽ ngày càng giảm đi, xu hướng tất yếu phải là như thế. Tuy nhiên, cần lưu ý, quản lý theo cơ chế thị trường không có nghĩa là Nhà nước “buông” hoàn toàn, điều này đã được khẳng định qua nhiều lần thảo luận. Bản thân tôi cũng cho rằng cơ chế thị trường không có nghĩa là Nhà nước không quản lý. Giao cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu cũng không có nghĩa là Nhà nước không quản lý giá xăng dầu nữa.
´Theo bà, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thì có nên áp dụng cơ chế về bình ổn giá hay không?
Theo tôi, bình ổn giá không nên tràn lan. Ví dụ như xăng dầu không nên đưa vào mặt hàng bình ổn giá mà thông qua những điều tiết khác, như chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách tiêu dùng. Bởi, bình ổn giá không có nghĩa là đưa mặt hàng này, mặt hàng kia vào bình ổn giá, hiểu như vậy là phiến diện. Bình ổn giá là phải đảm bảo khi giá cả biến động đột biến thì những người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng. Bình ổn giá chỉ nên tập trung vào người nghèo.
Xin cảm ơn bà!