Cơ chế bao cấp không còn phù hợp
Biến đổi khí hậu đã gây ra hiện thượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa hoặc tập trung cường độ cao trong thời gian ngắn, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại… gây nên tình trạng dòng chảy sông suối bị suy giảm, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ngập úng… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và dân sinh.
Thực tế, mùa khô năm 2015 và 2016 lượng mưa trung bình ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên chỉ đạt 60 -70% trung bình nhiều năm (TBNN). Xuất hiện nhiều đợt mua trái mùa từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi, đặc biệt là trận mưa lớn vào tháng 8/2015 tại Quảng Ninh (1.500 mm trong 10 ngày), băng tuyết xuất hiện vào tháng 1/2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.
Đập Nà Lừa (xã Trung Hà, Chiêm Hóa, Thái Nguyên) đang được thi công phục vụ tưới tiêu lúa và hoa màu vụ mùa 2016. Ảnh: Văn Tý- TTXVN |
Mùa khô năm 2016 còn chứng kiến dòng chảy sông Cửu Long xuống thấp nhất trong vòng 90 năm qua, xâm nhập mặn xuất hiện sớm gần 2 tháng so với TBNN, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền tới 120 km (sâu hơn TBNN 15 -20km), đây cũng được coi là kỳ xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử nước ta.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong 2 năm 2015 và 2016 đã có 80.000ha đất lúa phải dừng sản xuất (chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa) và khoảng 500.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng tới năng suất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, quản lý tài nguyên nước đang bị chồng chéo và trùng lặp. Ít nhất có 3 bộ quản lý gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương, nhất là trong lĩnh vực quản lý theo lưu vực sông.
Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi được thiết kế phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, phần lớn các cây trồng cạn chưa được tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu và lãng phí nước. Việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông đã làm cản trở việc thoát lũ, gây thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi hoạt động theo cơ chế bao cấp, thiếu công cụ giám sát nên việc sử dụng nước tưới lãng phí, hiệu quả thấp. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng thừa nhận: “Để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nông nghiệp, ngành thủy lợi phải chuyển từ cơ chế hành chính bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Chu Phương Chí, Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Công tác thủy lợi không chỉ phục vụ cây lúa mà còn phải hướng đến phục vụ cây công nghiệp và những loại rau màu có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, ngoài việc đáp ứng nguồn nước sản xuất còn phải đảm bảo chất lượng nước cho sinh hoạt của người dân”.
Biến nước thành hàng hóa
Để thích nghi với biến đổi khí hậu, theo các chuyên gia, ngành thủy lợi phải huy động được các nguồn lực từ xã hội, biến nước thành hàng hóa để chống lãng phí tài nguyên nước.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Vấn đề cốt lõi là phải huy động được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, biến nước trở thành hàng hóa gắn với an sinh xã hội và an ninh lương thực. Mục tiêu đặt ra là phải huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, tạo tiền đề cho phát triển bền vững”.
Theo Tổng cục Thủy lợi, để thay đổi dứt điểm tình trạng hoạt động theo cơ chế bao cấp, trong dự thảo Luật Thủy lợi đã được Chính phủ trình Quốc hội có những bước thay đổi căn bản. Theo đó sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, các thành phần kinh tế khác và cộng đồng được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các công trình thủy lợi, giúp các công trình có chất lượng cao hơn và sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi.
Hiện cả nước có hơn 6.600 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, gần 26.000 km đê các loại. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho 7,5 triệu ha lúa, 1,7 triệu ha hoa màu và cây công nghiệp… |
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tạo động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động thủy lợi. Với những đối tượng khó khăn, Nhà nước sẽ có chính sách trợ giá.
Thực tế, tưới tiết kiệm nước sẽ giúp nhiều vùng giảm khô hạn, nâng cao năng suất cây trồng, giảm vật tư nông nghiệp…. “Chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ người dân phát triển hệ thống tưới tiết kiệm. Quyết định /2013/QĐ-TTg của Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhưng chính sách này vẫn ít được đi vào cuộc sống. Do vậy, các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để xem thắt nút ở đâu để tháo gỡ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để thống nhất về quản lý nguồn nước, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, đặc biệt chỉ cần một quy hoạch thống nhất để phát triển bền vững.