Trước biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã gặp khó khăn vì ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh. Theo đó, một số DN đã kiến nghị cần quy định áp trần lãi suất cho vay USD, còn các chuyên gia cho rằng nên cân nhắc việc điều chỉnh tỷ giá để bình ổn thị trường ngoại tệ.Khó ứng biến với tỷ giáTheo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, trong khoảng một năm trở lại đây, giá trị của đồng EURO so với đồng USD đã giảm khoảng hơn 23%. Mức giảm giá của đồng YEN trong cùng giai đoạn cũng vào khoảng hơn 18%. Đáng lưu ý, những biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Khoảng một tháng trở lại đây, tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh, có lúc lên đến trên 21.800 VND/USD tại thị trường tự do và hiện tuy có giảm nhưng vẫn neo ở mức 21.640 VND/USD, cao hơn tỷ giá quy định của NHNN từ 10 - 20 VND/USD.
Tỷ giá bất ổn đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. |
Việc tỷ giá bất ổn trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng Cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 (chưa loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng trưởng 13,5% trong khi con số này của năm 2013 là 15,4%. Đến quý I/2015, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống còn 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ thế, một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế do tỷ giá ngoại tệ biến động trong thời gian qua. Trước sự biến động mạnh của đồng USD so với các ngoại tệ khác, các DN xuất nhập khẩu đang tìm cách để bảo vệ được thành quả kinh doanh và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết nếu nhà nhập khẩu mua kỳ hạn USD để thanh toán, họ ít bị ảnh hưởng. Nhưng trường hợp nhà nhập khẩu không sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, mức biến động 15% của tỷ giá USD/EUR sẽ khiến họ thua lỗ nặng nề. Thực tế, đã có nhiều DN nhập khẩu buộc phải hủy hợp đồng, trì hoãn thời gian nhận hàng hoặc xin giảm số lượng hàng nhập.
Theo CTCP xuất nhập khẩu kim điện khí Mạnh Toàn, khó khăn chủ yếu bây giờ chính là gánh nặng chi phí tài chính trong bối cảnh tỷ giá biến động rất lớn. Chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra cũng được nới rộng, lên tới trên 100 VND, gấp đôi mức thông thường trước đây. Không chỉ tăng chi phí, việc mua ngoại tệ cho các hoạt động thanh toán cũng khó khăn do các ngân hàng cũng đang cân đối giãn rộng biên độ mua - bán. Chỉ cần DN nhập khẩu nguyên liệu với giá trị vài chục triệu USD và tỷ giá biến động 1% đã gây tổn thất rất lớn đến lợi nhuận và các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Bài toán ổn định tỷ giáTrước tình hình tỷ giá bất ổn, nhiều chuyên gia và DN kiến nghị nên có giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ. Cụ thể, nên áp trần lãi suất vay USD cho DN, hoặc điều chỉnh tỷ giá USD.
Đại diện Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho rằng, thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn còn cao so với khu vực và quốc tế, đặc biệt là lãi suất vay trung dài hạn (hiện trên dưới 10%/năm). Do đó, các DN Việt Nam khó cạnh tranh được với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các DN cùng ngành nghề. Theo đó, Công ty Lương Quới đã đề nghị NHNN xem xét áp trần lãi suất cho vay USD và hạ xuống ở mức 3%/năm.
Mặt khác, việc tăng giá USD tại thị trường Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng do một phần nhiều tổ chức, tín dụng gom USD để dự phòng việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN cũng như thông tin về áp trần tỷ giá USD. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) vấn đề điều chỉnh tỷ giá VND/USD hiện vẫn đang cân nhắc. Bởi nếu điều chỉnh tỷ giá thì phải biết được ta được gì và mất gì, do nó sẽ tác động rất nhiều đến tình hình kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều chỉnh phải được tính toán trong khả năng duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô và niềm tin của người dân với VND. Nhưng nếu tỷ giá biến động quá mạnh thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ cũng sẽ quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã đề ra và khu vực xuất khẩu của nền kinh tế đang trong bối cảnh bất lợi, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá, nên để thị trường xác lập, nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết và việc điều chỉnh tỷ giá chỉ là biện pháp hành chính, không phải là giải pháp thị trường. Theo đó, về lâu dài nhà nước nên đề ra mục tiêu, có định hướng thực hiện để các chủ thể tham gia thị trường có căn cứ lên kế hoạch, tính toán cho lĩnh vực hoạt động của mình.
Bài và ảnh: Hải Yên