Cần những giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế theo kỳ vọng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2020 đạt 3,82%, đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 là hoàn toàn khó khăn.

Chú thích ảnh
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nhiều khó khăn, thách thức

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2020, chiều 27/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước quý I/2020 đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 1/2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, tính riêng trong tháng 3/2020, giá bình quân thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc là 82.000 đồng/kg, miền Trung là 78.000 đồng/kg, miền Nam là 75.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá lợn hơi chỉ ở mức từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg chưa tính các chi phí quản lý. Do đó, giá thịt thành phẩm bán ra thị trường hiện tại đang ở mức quá cao. Các tập đoàn chăn nuôi lợn nói rằng giá lợn hơi chỉ từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg chưa tính các chi phí quản lý. Nếu có tính cả khoản phí này vào thì cũng chỉ đến 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lại có những thời điểm giá lợn hơi lên đỉnh điểm là 90.000 đồng/kg.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 40-50% so với cùng kỳ các năm trước. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong quý 1/2020 đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Cả nước có 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh chờ giải thể, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch COVID-19 kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 khả quan hơn quý 1.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là trong thu xếp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, cũng giảm 20,9% trong khi kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và bằng 31% GDP. Tổng thu ngân sách  từ đầu năm đến ngày 15/3 đạt hơn 311 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I đạt hơn 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế giảm 18,1%.

 Kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt hơn 59 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ và là mức tăng rất thấp do ảnh hưởng của sự suy giảm thương mại quốc tế. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đạt mức xuất siêu 2,8 tỷ USD. Đáng lưu ý, đã có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Riêng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tăng 13,2% so với cùng kỳ mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm nay cao hơn 18% so với năm ngoái. Đây là kết quả tích cực của nền kinh tế.

Cần các giải pháp tích cực cho tăng trưởng

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quý 2/2020, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, Tổng cục Thống kê đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, trước mắt, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu; phụ tùng, linh kiện thay thế; tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tập trung nhiều giải pháp khác như tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; đồng thời, có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đặc biệt cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường....

Giải pháp quan trọng nhất theo Tổng cục Thống kê hiện nay là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng. Theo đó, việc xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như: mở rộng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam...

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư công có tác động khá tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng và GDP. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Điều này hàm ý rằng vốn đầu tư công có vai trò là nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác.

“Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Riêng với ngành xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% giúp ngành này tăng thêm 1,24% điểm %”, ông Phong cho biết.

Một trong những giải pháp tiếp theo giúp tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng là việc giảm giá bán thịt lợn hơi. Theo ông Lê Trung Hiếu, tổng đàn lợn năm 2020 đang có mức tăng trưởng tốt. Cụ thể: tháng 1/2020 tăng 2,2% so với tháng 12/2019; tháng 2/2020 tăng 4,4% so với tháng 1/2020 và tháng 3/2020 tăng 4,8% so với tháng 2/2020. Điều này cho thấy đàn lợn bắt đầu có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, dự báo trong những tháng tới vẫn sẽ có sự chênh lệch cung cầu và khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tấn thịt lợn trong quý II, đến quý III sẽ còn thiếu khoảng 30.000 tấn. Dự kiến đến hết quý III/2020, giá lợn hơi trong nước mới có thể về mức 60.000 đồng/kg.

“Nếu như chúng ta không nhập khẩu đủ thịt lợn để bù đắp phần thiếu hụt trong nước thì sẽ ảnh hưởng tới giá của thị trường. Do đó việc nhập khẩu cũng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Theo như phân tích của chúng tôi thì giá thịt lợn hơi có thể bắt đầu giảm xuống từ cuối tháng 6/2020 và tới hết quý III/2020 mới có thể về mức 60.000 đồng/kg”, ông Hiếu cho biết.

Việc hạ nhiệt thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng CPI. Bên cạnh đó, giải pháp tái đàn cũng rất quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân và đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu lên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng. Việt Nam không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Lâm khẳng định.

Thúy Hiền (TTXVN)
Dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tín dụng thấp
Dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tín dụng thấp

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động ngân hàng quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Tín dụng nền kinh tế tăng 0,% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 1,9%. Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng 2/2020 nhưng tăng 0,34% so với tháng 12/2019, tăng 4,87% cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN