Anh Lê Quốc Hưng, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi cho biết, chưa năm nào giá lợn hơi giảm bất thường như năm nay. Nếu như mọi năm vào thời điểm này giá lợn hơi trên thị trường đang nhích lên dần cho đến sau Tết Nguyên đán. Thế nhưng, năm nay, giá lợn hơi đang có chiều hướng giảm trong khi thị trường Tết Nguyên đán đã cận kề.
Hiện giá lợn hơi tại Bạc Liêu đứng ở mức thấp trong nhiều năm qua, được thương lái mua dao động từ 33.000 đến .000 đồng/kg (giảm hơn 10.000 đồng/kg so với giữa năm 2016) . Lợi dụng giá xuống thấp, trong khi đàn lợn tới lứa xuất chuồng nhiều, thương lái ép giá, người chăn nuôi phải chịu thiệt.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, trong khi giá lợn hơi trên thị trường giảm mạnh, nhưng giá thức ăn không giảm, dao động ở mức 17.400 đến 18.600 đồng/kg. Theo tính toán của người dân, cộng giá con giống, thức ăn, thuốc, công chăm sóc… thì bán giá bán này họ bị lỗ nặng.
Điều mà nhiều hộ chăn nuôi bất bình là trong khi giá lợn hơi giảm hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó, nhưng giá thịt lợn bán tại các chợ không giảm. Có nơi còn ăn theo thị trường Tết, đẩy giá bán lên dần. Theo các chuyên gia, với thị trường diễn biến bất thường gần đây, chỉ có người chăn nuôi, tiêu dùng chịu thiệt, còn thương lái, cơ sở kinh doanh, tiểu thương vẫn lãi cao.
Theo ngành thú y tỉnh Bạc Liêu, hiện đàn lợn đến lứa xuất chuồng trong tỉnh tương đối lớn. Bởi do tập quán, phần lớn người dân ở tỉnh này chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, chủ yếu chọn nuôi bán vào dịp cuối năm. Đây là thời điểm lợn hơi có giá cao nhất trong năm, bởi nhu cầu thị trường tăng. Nhưng hiện tại trái ngược so với các năm trước, hàng trăm hộ nuôi lợn bán vào dịp Tết Nguyên đán này đang dở khóc dở cười vì giá lợn xuống quá thấp.
Trước khó khăn trên, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi không quá hoang mang, không nên bán tháo, tiếp tục ổn định đàn lợn, khả năng giá lợn hơi sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi nên phát triển đàn lợn dàn trải trong năm, tránh nuôi tập trung cùng một thời điểm dễ bị ép giá, gặp khó đầu ra.
Tỉnh Bạc Liêu có tổng đàn lợn hơn 250.000 con, phần lớn nuôi phân tán theo hộ gia đình nên rất khó trong khâu quy hoạch, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi khép kính từ đầu vào đến đầu ra. Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ, ngành chức năng chưa có giải pháp quản lý chặt, do vậy người chăn nuôi tỉnh này còn lệ thuộc lớn vào thị trường, nên chuyện trúng mùa rớt giá, thấp mùa được giá luôn đeo bám người dân.