Chặng đường xuất nhập khẩu của năm 2015 sắp khép lại. Xin Thứ trưởng cho biết những điểm sáng trong năm qua?
Năm 2015 là năm ghi nhận nhiều nỗ lực to lớn của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đảm bảo các mục tiêu xuất nhập khẩu. Năm qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm nên nhu cầu suy giảm ở một số nhóm sản phẩm mà ta có thế mạnh như gạo, cao su, cà phê, sắn lát, tôm, cá tra... Sụt giảm cả giá và lượng xuất khẩu cũng diễn ra với một số nhóm khoáng sản như dầu thô, than đá... Điều đó tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của ta. Điều này cũng nằm trong xu thế chung của thế giới khi nhiều quốc gia cũng sụt giảm xuất khẩu như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Chế biến cá đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy KTCFOOD, Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Năm 2015, xu thế toàn cầu hóa diễn ra sâu sắc hơn, các quốc gia tăng cường liên kết khu vực và quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam cũng tích cực tham gia đàm phán các FTA, mở ra những cơ hội phát triển thương mại. Đồng thời, các doanh nghiệp của ta đã có nhiều nỗ lực lớn để xuất khẩu.
Với nhịp độ xuất khẩu tháng cuối năm như hiện nay thì ước tính cả năm, chúng ta sẽ đạt tăng trưởng xuất khẩu gần bằng mục tiêu Quốc hội đề ra (xấp xỉ 10%). Còn nhập siêu chắc chắn kiểm soát được theo mục tiêu Quốc hội yêu cầu.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta là nhóm hàng linh kiện điện tử, dệt may, da giày. Trong khi đó, những nhóm hàng thế mạnh trước đây như nông sản, thủy sản lại có sự sụt giảm. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
Các mặt hàng thế mạnh của ta là nông, lâm, thủy sản. Nhưng về trung và dài hạn, chắc chắn các mặt hàng này sẽ ngày càng mất dần lợi thế trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2014 đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh của nhóm hàng này với tốc độ tăng trưởng hơn 10% nên đến năm 2015 không có điều kiện phát triển mạnh hơn nữa. Chưa kể, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác ngày càng lớn. Trong các quý 1, 2, 3/2015, mặt hàng gạo chịu sự cạnh tranh rất mạnh bởi các quốc gia Thái Lan, Ấn Độ, kể cả các quốc gia mới tham gia vào thị trường gạo như Myanmar và Campuchia. Điều đó khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ta gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các vụ kiện, điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp trong nông lâm thủy sản, đặc biệt chống trợ cấp đối với tôm, đã gây ra khó khăn cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của chúng ta. Các quốc gia đang tăng cường hơn nữa các hàng rào kĩ thuật, đặc biệt đối với các mặt hàng nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Định hướng về trước mắt và lâu dài là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất thương mại. Vì vậy, thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng bền vững hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn là yêu cầu tất yếu. Điều này đã được khẳng định trong Đề án phát triển xuất khẩu bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2025.
Có thể trước mắt, các mặt hàng chúng ta xuất khẩu với quy mô lớn như nông lâm thủy sản có sự sụt giảm trong năm 2015, nhưng ta cũng chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh và mạnh của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là những mặt hàng chúng ta đang tập trung ưu tiên phát triển, vừa để đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu cả năm, đồng thời về lâu dài sẽ thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng bền vững, với việc nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ. Nếu chúng ta không tái cơ cấu để khai thác và phát huy thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh thì chúng ta sẽ thất bại, không thể cạnh tranh nổi với các thị trường khi sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.
Thưa ông, việc kiểm soát nhập siêu đã được thực hiện tốt hay chưa? Bộ Công Thương có định hướng gì cho xuất khẩu thời gian tới?
Chúng ta có thể tự tin rằng năm 2015 sẽ giữ nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu. Chính phủ đã đã rất năng động, kịp thời đưa ra những giải pháp để phản ứng với các biến động về tỷ giá, giúp ổn định xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Khi có vấn đề về nhập siêu từ một số quốc gia với một số mặt hàng thì Bộ Công Thương đã có giải pháp ngay. Ví dụ các mặt hàng xa xỉ phẩm cần kiểm soát nhập khẩu thì ta đều áp dụng các công cụ cho phép, phù hợp với hội nhập. Các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu thì tăng trưởng đều nằm trong mức cho phép. Đây là nhân tố giúp ta kiểm soát nhập siêu.
Việt Nam đã kí kết nhiều FTA. Để phát triển xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu, về chiến lược lâu dài, ta đã có những đề án lớn và cụ thể. Trong đó tập trung vào các vấn đề như đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao nội hàm khoa học công nghệ, năng suất lao động, hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý...
Còn trước mắt, năm 2016, phải tập trung khai thác cơ hội của thị trường, đặc biệt sau khi đã kí các FTA để tạo thuận lợi cho các sản phẩm xuất khẩu, thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ chủ động thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, ưu tiên một số nhóm ngành kinh tế; cụ thể hóa các cơ chế chính sách trong hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại.