Cần Thơ định hướng cho phát triển kinh tế tập thể năm 2022

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố năm 2022, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Đồng thời, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng GRDP của thành phố; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.        

Chú thích ảnh
Sản xuất theo quy trình VietGAP, vú sữa của HTX Trường Khương A, huyện Phong Điền có giá cao. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Cụ thể, thành phố phấn đấu thành lập mới 20 hợp tác xã, từ 50-60 tổ hợp tác; trong đó, tập trung xây dựng từ 3 hợp tác xã có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2022. Cùng đó, phát triển thêm 1.000 thành viên hợp tác xã và từ 500-700 thành viên tổ hợp tác mới, nâng tổng số thành viên hợp tác xã lên 14.000 thành viên và 59.000 thành viên tổ hợp tác.

Ước tổng doanh thu hợp tác xã trong năm 2022 khoảng 2.600 tỷ đồng, doanh thu bình quân hợp tác xã là 4,2 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên là 65 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động là 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 48%, trình độ cao đẳng và đại học đạt 24%...
         
Để đạt được các mục tiêu nói trên, thành phố Cần Thơ đã đề ra định hướng phát triển kinh tế hợp tác quan trọng nhất trong năm 2022. Đó là, tập trung khắc phục những yếu kém, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Cùng đó, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, thế mạnh liên doanh, liên kết, giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với nhau,  giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với sự hỗ trợ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 cho kinh tế tập thể, thành phố Cần Thơ cũng sẽ triển khai nhóm giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch. Đó là hoàn thiện các thể chế chính sách; tuyên truyền tập huấn các chính sách văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...
         
Đến hết tháng 6/2021, số hợp tác xã đang còn hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 226 hợp tác xã; trong đó, có 125 hợp tác xã nông nghiệp, 10 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 31 hợp tác xã vận tải, 20 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 33 hợp tác xã xây dựng và 7 quỹ tín dụng.

Số hợp tác xã ngưng hoạt động, tạm ngưng hoạt động hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 66 hợp tác xã; trong đó, có 20 hợp tác xã đang làm thủ tục giải thể. Doanh thu bình quân của hợp tác xã năm 2021 là 3,7 tỷ đồng/năm, không tăng so với năm 2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID -19.

Ngọc Thiện (TTXVN)
Tổng kết 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể một cách khẩn trương, nghiêm túc
Tổng kết 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể một cách khẩn trương, nghiêm túc

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW phải được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN