Cần Thơ: Hiệu quả từ mô hình luân canh 'lúa- vừng -lúa'

Ngày 17/10, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu Đề tài khoa học về mô hình canh tác luân canh “lúa - vừng - lúa”. Đây là mô hình cho thấy tính ưu việt về năng suất và lợi nhuận so với mô hình canh tác 3 vụ lúa/năm như truyền thống.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Trịnh Quang Khương (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ nhiệm Đề tài) nêu những lợi ích về kinh tế của mô hình. 

Tiến sĩ Trịnh Quang Khương, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như một vựa lúa của cả nước, là vùng được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu nên năng suất nông nghiệp luôn đứng đầu cả nước.

Tuy vậy, với mô hình canh tác 3 vụ lúa/năm như truyền thống, đất đai không được nghỉ ngơi nên ngày càng cằn cỗi, kéo theo năng suất cây trồng giảm. Khi năng suất giảm, nông dân lại ra sức bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này càng khiến cho tài nguyên đất bị chai sạn, chi phí đầu vào vì thế ngày càng tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận ngày càng giảm.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã thí điểm mô hình luân canh “lúa- vừng-lúa” tại một số nơi trọng điểm về cây nông nghiệp của Cần Thơ: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Thới Lai, huyện Thốt Nốt và quận Ô Môn, trong thời gian từ năm 2017 - 2019. Kết quả cho thấy, mô hình này cho năng suất cao hơn 16%, lợi nhuận tăng 29%.

Để mô hình luân canh “lúa - vừng - lúa” phát huy hiệu quả tối đa, nhóm nghiên cứu lưu ý bà con cần chú trọng tuân thủ quy trình chọn lựa hạt giống và canh tác. Cụ thể, cần thay đổi thói quen mua giống trôi nổi ở chợ. Thay vào đó, cần chọn nơi cung cấp giống uy tín. Giống vừng được đề xuất là giống vừng đen cao sản.

Trước khi gieo phải xử lý hạt giống bằng polygram 4 - 5 gam/kg hạt. Đồng thời, cần kết hợp với kỹ thuật gieo sạ thưa bằng công cụ sạ mè, với khối lượng giống từ 4 đến 5 kg giống/ ha. Công đoạn thu hoạch, cần thu hoạch ngay khi lá chuyển màu xanh vàng, gốc hạt chuyển vàng, không nên để qua giai đoạn này vì hạt sẽ nứt vỏ, gây thất thoát.
 
Đánh giá cao mô hình luân canh “lúa - vừng-lúa”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Đại học Cần Thơ cho biết, mô hình này vừa giúp đất có thời gian nghỉ ngơi, bảo vệ tài nguyên đất; đồng thời, giúp người nông dân giảm thiểu các chi phí đầu vào.

Quan trọng nhất, mô hình này giúp gia tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện chất lượng sống. Với những lợi ích đó, Giáo sư Nguyễn Bảo Vệ đề xuất cần nhân rộng mô hình này không chỉ trong phạm vi thành phố Cần Thơ, mà còn ở các tỉnh, thành khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Giảm phát thải khí nhà kính trên nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh
Giảm phát thải khí nhà kính trên nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh

Việc nhanh chóng mở rộng diện tích nuôi tôm ở quy mô thâm canh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đã gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính - là một trong những nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN