Phát biểu tại buổi làm việc, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng, vị thế của thành phố Cần Thơ là trung tâm phát triển động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khối lượng xuất khẩu nông thủy sản lớn trên cả nước; trong đó, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố là gạo và cá da trơn hiện được nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng Hoa Kỳ quan tâm, tin dùng.
Bà Mary Tarnowka mong muốn tiếp tục mở rộng giao thương với thành phố Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thêm nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ.
Bà Tarnowka cho biết, thời gian tới, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ thành phố Cần Thơ cũng như các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối “Chương trình quốc gia về Phát triển nông nghiệp bền vững” của Hoa Kỳ. Đây là nỗ lực của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tăng lượng nông sản sản xuất tại địa phương và kêu gọi đầu tư, hợp tác thương mại từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tham gia chương trình này, doanh nghiệp nông nghiệp Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có cơ hội trồng trọt và phát triển nông sản ngay trên đất Mỹ. Qua đó, doanh nghiệp hai bên sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật để ứng dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình, cùng nhau phát triển bền vững. Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo giáo dục đại học và sau đại học của Mỹ sẵn sàng chuyển giao các thành tựu nghiên cứu về công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ đề xuất với Bộ Y tế và Dịch vụ về Con người Hoa Kỳ tăng cường tổ chức đưa các đoàn công tác từ các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu và các trường Đại học Y khoa uy tín của Hoa Kỳ đến làm việc và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn tại hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố Cần Thơ.
Nội dung trao đổi chuyên môn liên quan đến nhiều vấn đề trong điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh lý của bệnh nhân; các phương pháp mới trong điều trị và nghiên cứu dịch bệnh; kỹ năng theo dõi dữ liệu giám sát và tăng cường các biện pháp hợp tác y tế cộng đồng trong từng khu vực nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên phạm vi vùng…
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Hoa Kỳ đề nghị hợp tác đưa học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh từ Cần Thơ đến đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín của Hoa Kỳ; cũng như đón các sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh từ Hoa Kỳ sang tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học, trung cấp, trường nghề và các trung tâm nghiên cứu tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, hai bên sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội; phối hợp tổ chức các hội thảo kinh tế, học thuật có tác động xã hội sâu rộng cùng các chương trình giao lưu, trao đổi kiến thức giúp các nhà khoa học hai nước có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, sáng tạo thêm nhiều công trình nghiên cứu chất lượng cao, được cộng đồng quốc tế chứng nhận.
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ sẵn sàng tài trợ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh cho thành phố Cần Thơ. Theo Tổng Lãnh sự Tarnowka, Cần Thơ nên xem phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông làm cho việc xây dựng, quản lý, phát triển thành phố trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn; đồng thời, cải thiện hạ tầng giao thông và cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp hơn, phía Hoa Kỳ đề nghị xây dựng kế hoạch hợp tác với Cần Thơ thực hiện các dự án không khí sạch, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý thoát nước và xử lý nước thải nhằm tăng khả năng chống chịu của thành phố trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo đó, dự án không khí sạch sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực nội thị thành phố Cần Thơ cùng các khu chế xuất, công nghiệp lớn; chủ yếu tập trung thực hiện việc quan trắc chất lượng không khí; kiểm kê tình trạng phát thải khí nhà kính; phân tích nguồn gốc gây tác hại, ô nhiễm môi trường không khí và tác nhân gây hiệu ứng nhà kính; xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về không khí sạch.
Về quản lý thoát nước và xử lý nước thải đạt hiệu quả, chống ngập úng cho các đô thị, Hoa Kỳ sẽ cử các chuyên gia sang phối hợp với các ban, ngành hữu quan của Cần Thơ tiến hành đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước và ngập úng đô thị; hiện trạng hệ thống thoát nước; quy mô các trạm bơm tiêu thoát nước; quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát nước chính nhằm xây dựng các mô hình thoát nước và xử lý nước phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, khu vực; ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại.
Nếu các mô hình về quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên có hiệu quả, bà Tarnowka hy vọng sẽ có thể tiếp tục nhân rộng đến các địa phương lân cận để đồng loạt triển khai theo một lộ trình chung tạo nên một sự kết nối bền vững trên toàn vùng. Từ đó, xây dựng thành phố Cần Thơ thành thành phố kiểu mẫu về bảo vệ mội trường và một trong những mô hình tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh thống nhất với các kế hoạch, đề xuất của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định, hợp tác với Hoa Kỳ là một trong những trọng tâm trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Lê Quang Mạnh cam kết Cần Thơ sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi; cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực; thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tác Hoa Kỳ đến hợp tác, đầu tư tại địa phương.
Chủ tịch Lê Quang Mạnh cũng hy vọng Tổng Lãnh sự quán hỗ trợ thành phố Cần Thơ tổ chức gặp gỡ định kỳ với đối tác, nhà đầu tư Hoa Kỳ để tạo thêm cơ hội quảng bá và giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác quốc tế của Cần Thơ.