Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố hướng dẫn và hỗ trợ lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố và vùng nguyên liệu hoặc nhà máy chế biến nông sản, thủy sản. Đồng thời phối hợp hỗ trợ di chuyển lực lượng lao động, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh COVID -19 theo quy định.
Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP. Ngành phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel... để hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ sẽ thông qua các ứng dụng giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giao dịch mua- bán trên sàn postmart.vn, sàn voso.vn... Ngành tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản mở ngân hàng trên sàn thương mại điện tử và hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử...
Về các giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ có kế hoạch vận động tối đa các nguồn lực tại địa phương thu hoạch nông sản, thủy sản. Cụ thể, là vận động sự tham gia của tổ dịch vụ gặt đập liên hợp, lao động, thương lái, doanh nghiệp tại địa phương. Ngành vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ liên kết tiêu thụ và thông qua hệ thống thương lái tại địa phương của doanh nghiệp để liên kết với tổ dịch vụ gặt đập liên hợp.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp thành phố thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho bà con trong khâu thu hoạch, hỗ trợ thương lái, doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản cho nông dân.
Ngành thường xuyên cập nhật thông tin tình hình thu hoạch, sản lượng cần tiêu thụ tại các quận, huyện để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát trển nông thôn có hướng hỗ trợ.
Đối với các khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19, ngành sẽ huy động lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội, các đoàn thể hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ nông sản, thủy sản.
Mặt khác, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng sẽ rà soát lại diện tích sản lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản để có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm. Đồng thời rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho sản xuất như: nhu cầu giống vật nuôi, máy móc thiết bị, nguyên liệu, vật tư đầu vào, khả năng cung ứng để chủ động trong từng vụ sản xuất...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn, thông qua rà soát danh sách các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có khả năng cung ứng ra thị trường nhưng chưa có thương lái tiêu thụ đến ngày 30/9/2021 gần 42.400 tấn nông sản, thủy sản với 145 đầu mối cung cấp hàng hóa. Trong đó, riêng rau màu gần 2.130 tấn, cây ăn trái gần 12.000 tấn, thủy sản trên 28.300 tấn.
Từ ngày 21/7 đến ngày 7/9, thành phố Cần Thơ đã tiêu thụ gần 19.000 tấn nông thủy sản; trong đó Tổ công tác kết nối tiêu thụ hỗ trợ được khoảng 5.600 tấn. Số lượng còn lại nông dân bán cho các thương lái và có sự hỗ trợ kết nối giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương để cung cấp nông sản, thủy sản cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn, các điểm bán hàng bình ổn, chợ 0 đồng....
Từ đầu năm đến nay, nông dân thành phố Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm diện tích vụ lúa Đông xuân và vụ Hè thu với tổng sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Hiện bà con đang bắt đầu thu hoạch diện tích lúa Thu Đông. Dự kiến tổng sản lượng lúa cả năm 2021 của thành phố ước đạt khoảng 1,4 triệu tấn, vượt 10% so với kế hoạch.
Tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn là 22.830 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 100.000 tấn. Tổng diện tích rau, màu các loại là trên 14.800 ha; trong đó diện tích đã thu hoạch là 10.880 ha. Diện tích nuôi thủy sản là 8.559 ha; trong đó, diện tích đã thu hoạch là 2.317 ha với sản lượng 118.414 tấn.