Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH ngày 20/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, một số nội dung chính đáng lưu ý như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý III, IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân... Chính sách này đã được người dân, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức sau một thời gian dài giãn cách xã hội, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”. Do vậy, các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm bớt áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thêm nguồn lực hồi phục sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Đỗ Phước Tống cho rằng, để được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải "tùy đối tượng". Bởi doanh nghiệp phải đáp ứng hai điều kiện, có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đáp ứng yếu tố doanh thu trên 200 tỷ đồng song vẫn có lợi nhuận âm do chi phí sản xuất tăng cao hoặc doanh thu năm 2021 tăng cao hơn so với 2019 so yếu tố chu kỳ… nên không đủ điều kiện và vẫn không được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh những tác động tích cực lên dòng tiền của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh cho rằng, rất ít doanh nghiệp trong ngành cao su - nhựa được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp cao su - nhựa có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiều khả năng không có lãi trong năm 2021, do giãn cách kéo dài, việc sản xuất “3 tại chỗ” khiến chi phí tăng cao… Do đó, chính sách này chưa có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành này.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Lửa Việt cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa với các doanh nghiệp du lịch, giải trí, dịch vụ ở thời điểm này. Bởi hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp trong trạng thái “đóng băng” một thời gian dài, doanh thu không có, trong khi vẫn phải chi trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên… Hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, doanh nghiệp không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và chính sách này theo đó cũng không có tác dụng cho doanh nghiệp trong ngành. Điều doanh nghiệp mong muốn là có thể tiếp cận với chính sách vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Việc giữ chân người lao động có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp du lịch khi kinh tế phục hồi.
Tuy vậy, một số công ty cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho nhóm đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như du lịch, dịch vụ giải trí, vận tải, xuất bản... tuy không tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp, song cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, kích thích người tiêu dùng mua hàng hóa nhiều hơn; qua đó, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực phục hồi, đẩy mạnh kinh doanh.
Dưới góc độ của chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung của Nghị quyết 406 đã thể hiện tinh thần sẻ chia, thấu hiểu của Quốc hội đối với những khó khăn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết đề cập đến các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, cơ bản là có nhiều loại thuế được giảm và miễn đối với doanh nghiệp. Song, Nghị quyết chỉ đề cập đối đối tượng doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng năm 2021, còn doanh nghiệp thua lỗ lại không bàn tới. Vì vậy, chính sách này vẫn còn chưa bao quát và đầy đủ. Do đó, Nghị quyết nên xem xét đến những doanh nghiệp nằm trong vùng giãn cách nhiều nhất, bị phong toả kéo dài để có chính sách hỗ trợ nhiều hơn. Thậm chí, cần tính đến chuyện hoàn lại thuế thu nhập cho doanh nghiệp mà những năm trước họ đã đóng, năm nay họ thua lỗ để tiếp sức cho doanh nghiệp, vực họ dậy.
"Quan trọng nhất trong thời gian tới, chúng ta cần tính đến chuyện hỗ trợ theo đặc thù từng doanh nghiệp, vì mỗi doanh nghiệp bị tác động khác nhau. Thực tế, khi chưa mở cửa đã có doanh nghiệp không những không bị tác động mà còn có lãi. Đó là những doanh nghiệp tận dụng được nền tảng số, thương mại điện tử nhưng cũng có doanh nghiệp mở cửa rồi họ vẫn còn “trọng thương”. Như vậy, đối với những doanh nghiệp này, Nhà nước cần hỗ trợ cho họ điều kiện “đi lại”, “vận hành” lại rồi từ từ mới “chạy", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói.