Mặc dù chính phủ Canada thể hiện quyết tâm gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia trong quá trình thương lượng.Mỹ đang gây sức ép buộc Canada phải dỡ bỏ hệ thống quản lý nguồn cung bao gồm hạn ngạch nhập khẩu sữa và hàng rào thuế nhập khẩu nhằm đảm bảo bình ổn giá sữa đối với ngành công nghiệp chăn nuôi và sản xuất sữa trong nước. Một số quan chức Mỹ đe dọa loại Canada khỏi đàm phán TPP nếu không đáp ứng điều kiện này.
Bàn đàm phán TPP cấp bộ trưởng Nhật-Mỹ ngày 19/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, ngành sản xuất bơ sữa của Canada cũng tăng cường vận động hành lang để chính phủ duy trì các biện pháp bảo vệ lợi ích của họ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chính phủ của thủ tướng Harper chấm dứt hệ thống quản lý hiện tại, nguy cơ ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử của đảng Bảo thủ cầm quyền vào tháng Mười tới.
Canada hiện có 13 đơn vị bầu cử liên quan tới ngành sản xuất sữa, với gần 300 chủ trang trại, gồm 8 trang trại ở tỉnh Quebec và 5 trang trại thuộc tỉnh Ontario, với số cử tri hơn 10.000 người/đơn vị. Đây là một số lượng phiếu đáng cân nhắc nếu đảng Bảo thủ muốn có chiến thắng đa số trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trước sức ép lớn từ Mỹ và các đối tác TPP khác, một bộ phận chính giới Canada đã công khai đề nghị nên từ bỏ hệ thống quản lý hiện nay. Số này cho rằng TPP là một thỏa thuận thương mại đa phương quan trọng nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, và TPP là cơ hội lịch sử để Canada có thể tiếp cận 800 triệu khách hàng mới ở châu Á và Mỹ Latinh. Vì vậy, chính phủ Canada nên hy sinh cái lợi nhỏ để nắm bắt cơ hội lớn hơn.
Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Harper vẫn đang áp dụng chiến thuật cầm chừng, chờ đợi Quốc hội Mỹ trao "quyền đàm phán nhanh" cho Tổng thống Obama. Thủ tướng Harper vẫn cho rằng không việc gì phải vội vàng nhượng bộ những chủ đề nhạy cảm cho đến khi chính quyền Mỹ có thể chứng minh những cam kết để hoàn tất Hiệp định.
Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)