Trong đó, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư BOT (Xây dựng – Kinh doanh – chuyển giao) đối với 8 dự án thành phần làm mới thuộc các đoạn Mai Sơn - Bãi Vọt, Nha Trang - Dầu Giây. Còn lại đầu tư công 3 dự án gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
Cầu Mỹ Thuận 1. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, 3 dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 phải đầu tư công vì dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, hiện đang thực hiện đầu tư với quy mô hai làn xe, nên việc dừng lại để đầu tư theo hình thức BOT là không phù hợp, để hoàn chỉnh thành quy mô 4 làn xe chỉ cần bổ sung vốn Nhà nước khoảng 1.612 tỷ đồng.
Đối với đoạn Cam Lộ - La Sơn, theo Nghị quyết 66 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cần đầu tư giai đoạn 2014 - 2017 theo hình thức BT. Trên thực tế, tuyến này hiện có lưu lượng thấp hơn so với các đoạn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2017 – 2020, nên khả năng thu hút các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT rất khó khăn.
Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu chỉ dài 7 km, ở đầu và cuối cầu Mỹ Thuận 2 đã có các dự án BOT là Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bây giờ, chúng ta tiếp tục làm dự án cầu Mỹ Thuận 2 bằng hình thức BOT sẽ rất khó để thuyết phục người dân, nên dự án này thực hiện bằng hình thức đầu tư công là hợp lý. Bên cạnh đó, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tĩnh không thông thuyền lớn, nên phải sử dụng kết cấu đặc biệt (cầu dây văng), tổng mức đầu tư cao, việc đầu tư theo hình thức BOT sẽ không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chủ trương thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng vẫn là cấp thiết. Song, nhiều dự án nhà đầu tư chỉ nâng cấp, mở rộng rồi thu phí, dẫn tới phản ứng của người dân. Bộ GTVT và Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư BOT đối với 8 dự án cao tốc làm mới trên tuyến Bắc - Nam và đầu tư công 3 dự án còn lại là phù hợp.