Cạn kiệt tài chính, thiếu hụt lao động là vấn đề chung của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, bao gồm doanh nghiệp đã gồng mình “3 tại chỗ” và cả những doanh nghiệp đã tạm ngưng sản xuất thời gian qua.
Cạn kiệt nguồn lực
Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đều thống nhất sản xuất “3 tại chỗ” là phương án phù hợp nhất để duy trì một phần hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là với các ngành thiết yếu. Tuy nhiên, việc phải áp dụng phương thức này trong thời gian dài hơn dự tính khiến hầu hết doanh nghiệp rơi vào trạng thái cạn kiệt nguồn lực tài chính.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, với nhiệm vụ phải duy trì liên tục nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân TP Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm chủ động hưởng ứng phương thức sản xuất “3 tại chỗ” với quyết tâm cao. Theo dự tính của các doanh nghiệp, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn, có thể từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn hơn có thể duy trì tối đa 4-5 tuần.
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp đã duy trì “3 tại chỗ” gần 3 tháng trong tình trạng phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy. Cụ thể ngoài chi phí trang bị các điều kiện ban đầu để bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt cho người lao động, doanh nghiệp còn phải trả chi phí xét nghiệm hàng tuần, trả thêm 30-50% lương công nhân ở lại nhà máy, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc. Cộng thêm giá nguyên vật liệu sản xuất từ bao bì, vật tư, bột, phụ liệu liên tục tăng cao do việc vận chuyển khó khăn.
Theo bà Lý Kim Chi, những khoản chi trên làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần so với trước nhưng sản lượng sản xuất giảm hơn 50%. Giá thành sản phẩm tăng cao nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá bán do phải thực hiện bình ổn thị trường và người tiêu dùng cũng gặp khó khăn từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thực trạng này kéo dài khiến doanh nghiệp cạn kiệt tài chính, nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt và người lao động mệt mỏi, khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động nếu không thay đổi phương án sản xuất mới.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin, trong thời gian Thành phố siết chặt giãn cách xã hội, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chỉ có 652/1.412 doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” với 51.000/285.000 công nhân làm việc, chiếm khoảng 18% năng lực sản xuất của toàn bộ các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất thì tỷ lệ duy trì hoạt động “3 tại chỗ” chiếm khoảng 15%. Như vậy tính chung số doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng qua khoảng 70%. Năng lực sản xuất còn hoạt động của thành phố chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Thành phố (giảm khoảng 1/2 trong tháng 8,9).
Theo ông Chu Tiến Dũng, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” đã cố gắng duy trì hoạt động nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì nguồn lao động chủ chốt của doanh nghiệp nhưng đều báo cáo thua lỗ.
Các doanh nghiệp ngừng sản xuất cũng thiệt hại nặng nề, bị đứt gãy hoàn toàn thị trường, chuỗi cung ứng và không kiểm soát được nguồn nhân lực, chi phí duy trì và chi phí lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng ăn mòn vào vốn của doanh nghiệp.
“Trong 8 tháng qua, có 24.000 doanh nghiệp của Thành phố rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê báo cáo trên hệ thống quản lý quốc gia. Thực tế số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, chấm dứt hoạt động chưa khai báo còn nhiều hơn. Đến nay nhiều doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi.” ông Chu Tiến Dũng nêu thực tế của doanh nghiệp.
Các chuyên gia dự báo số lượng doanh nghiệp thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản có thể sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2021. Với kịch bản dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát vào giữa tháng 9 và trạng thái bình thường mới được thiết lập từ đầu tháng 10 thì GRDP của TP Hồ Chí Minh năm 2021 vẫn giảm khoảng 1,74% so với năm 2020.
Thiếu hụt lao động
Các doanh nghiệp rất mong sớm khôi phục sản xuất trở lại để không mất khách hàng, thị trường. Thế nhưng ngay tại thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đều loay hoay chưa biết lấy lao động từ đâu để sản xuất.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Tp. Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, đã có một làn sóng “di dân” rất lớn từ Thành phố về các địa phương để tránh dịch; trong đó bao gồm cả các công nhân của các nhà máy phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch.
Theo ông Phạm Văn Việt, những tháng qua có hơn 2 triệu lao động ngành dệt may phải nghỉ việc vì dịch bệnh, tương đương 70% lao động của ngành. Hầu hết người lao động đã về quê, chưa được tiêm vaccine và lo ngại dịch bệnh nên chưa muốn quay lại làm việc. Với nguồn lao động hiện có, chỉ 30-40% doanh nghiệp đủ năng lực khôi phục lại sản xuất khi Thành phố thực hiện lộ trình mở cửa, thích nghi với dịch COVID-19.
“Doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại Thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết. Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời Thành phố và cũng chưa có một đơn vị nào đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại Thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới. Kể cả trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát thì việc khôi phục lại lực lượng lao động cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí có thể mất 1-2 năm”, ông Phạm Văn Việt bày tỏ lo ngại.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, nguồn lao động đang là vấn đề lo lắng đối với nhiều doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay. Theo đó, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì 30 -50% số lượng lao động, do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch; trong đó có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó tuyển mới.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn thì cho biết, trong số hơn 600 lao động của nhà máy tại Tp. Hồ Chí Minh, có 500 người đến từ các địa phương khác. Thời gian Thành phố yêu cầu áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ có chưa đầy 30% số lao động của doanh nghiệp ở lại làm việc.
Những công nhân không tham gia “3 tại chỗ” một số đã về quê, số chưa về quê cũng tìm cách ở nhà vì tâm lý lo ngại dịch bệnh. Để chuẩn bị cho kế hoạch khôi phục lại sản xuất khi Thành phố cho phép, công ty đã vận động những công nhân cũ cũng như thông báo tuyển dụng thêm lao động mới nhưng đều rất khó khăn.