Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Cầu dài 2.014,74 m, gồm: Phần cầu chính cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350 m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150 m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều cao trụ tháp là 123,4 m, nhịp thông thuyền 37,5 m, mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5 m. Cầu thiết kế 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Đại diện Ban quản lý điều hành dự án cho biết, dự án đã hoàn thành trên 98%, đảm bảo an toàn, chất lượng. Cầu Cao Lãnh áp dụng các công nghệ tiên tiến của ngành xây dựng cầu trên thế giới như: Móng cọc khoan nhồi đường kính lớn 2,5 m, sâu 120 m; công nghệ đúc hẫng cân bằng sử dụng xe đúc hẫng nặng hơn 250 tấn, khổ cầu 27 m; công nghệ ván khuôn leo thi công trụ tháp, công nghệ căng cáp văng mono strand…
Dự án được liên danh nhà thầu chính Tổng công ty Xây dựng cầu đường Trung Quốc cùng với Công ty Vinaconex E&C, cùng các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
Dự án này đạt tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã tiếp thu và thực hiện thành thạo các công nghệ mới. Các nhà thầu Việt Nam lần đầu tham gia xây dựng cầu dây văng với vai trò thầu chính, đồng thời các nhà thầu phụ cũng đã nhận thi công từng hạng mục chứ không chỉ cung cấp nhân công như các dự án trước đây.
Cầu Cao Lãnh là cây cầu lớn thứ hai sau cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dưới đây là một số hình ảnh thi công cầu Cao Lãnh:
Thi công trải thảm nhựa phần dẫn hai đầu cầu. |