Những ngày gần đây, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành (thay thế phà Vàm Cống) kết nối các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, nhiều lái xe tiếp tục phản ứng về việc thu phí cũng như vị trí đặt Trạm thu phí BOT T2. Các lái xe cho rằng, vị trí đặt trạm như hiện nay là bất hợp lý.
Theo đó, các lái xe điều khiển xe tải mang biển kiểm soát An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh khi lưu thông theo hướng từ tỉnh An Giang đi thành phố Cần Thơ đến trạm BOT T2 đã dừng xe, không đồng ý mua vé.
Nguyên nhân được các lái xe này cho biết là họ đi từ tỉnh An Giang để qua ngã 3 Lộ Tẻ, rẽ vào Quốc lộ 80 để lên cầu Vàm Cống hoặc đi Rạch Giá (Kiên Giang); quãng đường sử dụng Quốc lộ 91 chỉ khoảng 300m nhưng phải trả tiền cho toàn tuyến là không hợp lý nên không đồng ý mua vé.
Các lái xe cho rằng, trạm BOT T2 đặt sai chỗ; nên không đồng ý mua vé và kiến nghị dời trạm hoặc đi đoạn đường bao nhiêu thì tính phí bấy nhiêu. Trạm BOT T2 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, thu phí hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 91 và 91B.
Theo ông Mai Văn Thiện, Phó Giám đốc Hợp tác xã Giao thông Vận tải Quang Thanh (địa chỉ ở thị trấn Phú Hòa, tỉnh An Giang), Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư cần có phương án thu phí hợp lý, để tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và chủ xe ô tô, xe tải.
Ông Mai Văn Thiện cho biết, Hợp tác xã Giao thông Vận tải Quang Thanh có hơn 200 xe tải các loại chủ yếu đi hướng Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng 2 năm nay đều phải mua vé khi qua trạm BOT T2 là không công bằng và làm tăng chi phí cho các thành viên của hợp tác xã, vì các xe của Hợp tác xã chỉ sử dụng khoảng 300m đường của dự án BOT nhưng đang phải trả phí cho toàn tuyến.
“Bộ Giao thông Vận tải nên sớm triển khai đề án thu phí không dừng như chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp đồng ý trả tiền cho quãng đường mà doanh nghiệp sử dụng, và quá trình này cần phải có mốc thời gian cụ thể, chứ không nói bâng quơ như trước đây", ông Mai Văn Thiện nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 13 giờ 30, các lái bắt đầu phản ứng, tình trạng kẹt xe kéo dài hơn 1 km; đến khoảng 14 giờ điều hành trạm BOT T2 cho xả trạm lần 1; đến khoảng 14 giờ 10 phút, các tài xế tiếp tục phản ứng và 10 phút sau trạm T2 tiếp tục xả trạm. Sau đó, mỗi khi lái xe phản ứng, kẹt xe kéo dài, điều hành xả trạm. Khi ổn định trở lại, nhân viên tiếp tục thu phí… Đến khoảng 16 giờ, tình hình tại Trạm thu phí BOT T2 mới tạm thời được giải tỏa
Trước đó, sáng cùng ngày Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có cuộc họp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc tại trạm thu phí BOT T2.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, tại cuộc họp tỉnh đã đề xuất những xe đi từ hướng Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát một tấm thẻ tới trạm rồi trả thẻ đó và mua vé 2.000 đồng để qua trạm (tương đương 200 m đường BOT của dự án). Những xe đi từ hướng An Giang về Kiên Giang qua cầu Vàm Cống thì phương án có thể là bán vé 2.000 đồng, đối với xe đi Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng.
Ông Nguyễn Việt Trí cho biết, vấn đề thu phí ở trạm BOT T2 đã được đặt ra từ lâu và cũng được xử lý bằng phương pháp miễn, giảm, nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước đây, còn hiện nay không còn phù hợp bởi khi cầu Vàm Cống thông xe tình hình cũng thay đổi.
Báo Tin tức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến sự việc này.