Đây là hội thảo thứ hai trong khuôn khổ chuỗi hoạt động giới thiệu công nghệ nước, tưới tiêu, quản lí nguồn nước dành cho các cơ quan quản lí nước và giới nông nghiệp Việt Nam.
Tưới nhỏ giọt là một phát minh của Israel, được coi là một phương pháp tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo sự sinh trưởng của cây trồng. Hiện phương thức tưới này chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam.
Tham gia hội thảo có đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Phước, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang. Đây là những địa bàn vừa trải qua đợt hạn và mặn từ đầu năm 2020.
Tại Hội thảo, chuyên gia Shlomo Kramer, người đã có 40 năm làm việc tại các sa mạc ở Israel, cố vấn cho các hộ nông dân Israel về tưới tiêu, sử dụng đất, dinh dưỡng cây trồng, cho biết, giữa Israel và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm chung về tình trạng hạn mặn.
Giới thiệu và phân tích kĩ thuật tưới nhỏ giọt, đặc biệt là khi sử dụng với nước nhiễm mặn; đồng thời nêu ví dụ đối với hệ thống nhà kính trồng dưa hấu, cà rốt, hành, rau thơm, nho, ông Kramer cho biết, với tưới nhỏ giọt, hiệu quả tưới tăng rõ rệt, giúp tiết kiệm 80% lượng nước trong trồng cây.
Ở Việt Nam, công nghệ này có thể được áp dụng cho trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, đang chịu ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước tưới thời gian qua. Ông Kramer cũng nhận định, cây lúa Việt Nam có thể áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại và tiết kiệm nước, trong bối cảnh hạn mặn đang tác động mạnh đến ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. Ngoài ra, chuyên gia Kramer cũng phân tích cách dùng lọc nước cho vòi tưới nhỏ giọt và mô hình quản lý để đảm bảo năng suất và chất lượng nước của tưới nhỏ giọt.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Chương trình nước ngoài của Cơ quan phát triển Israel MASHAV Daniel Zonshine cho rằng, vấn đề về nước và nhiễm mặn không chỉ nghiêm trọng ở Israel mà còn diễn biến tại Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Ông bày tỏ hy vọng kinh nghiệm của chuyên gia Israel sẽ được áp dụng trong điều kiện nhất định ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các nhà khoa học của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và người tham dự Hội thảo đã nêu nhiều câu hỏi về điều kiện sử dụng công nghệ này cho các loại cây Việt Nam như lúa, khoai, nho, cũng như việc đào tạo sử dụng công nghệ cho nông dân Việt Nam.