Một mùa xuân mới lại bừng lên trên mảnh đất quê hương Lai Châu tươi đẹp, các cánh rừng cao su bát ngát lại đua nhau đâm trồi, nảy lộc, hứa hẹn một ngày mai với những dòng vàng trắng từ những cánh rừng cao su sẽ làm giàu đẹp cho mảnh đất biên cương của đất trời Tây Bắc.
Lai Châu có diện tích tự nhiên 906.878 ha, song diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%, chủ yếu là ruộng bậc thang và nương rẫy, sản xuất một vụ, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đời sống của đa số đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Lai Châu đã thử nghiệm nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, song kết quả thu được chưa như mong muốn; chưa chọn được cây chủ lực phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu của tỉnh Lai Châu. Năm 2005, sau khi tham quan, khảo sát kinh nghiệm trồng cao su tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lai Châu đã xác định cây cao su là cây trồng khá phù hợp với điều kiện sinh thái ở một số vùng của tỉnh. Trong hai năm 2006 - 2007, UBND tỉnh đã hỗ trợ trồng được 240 ha cao su tiểu điền tại địa bàn huyện Phong Thổ, cây cao su sinh trưởng nhanh nhưng bộc lộ nhiều hạn chế: Diện tích trồng manh mún, khó chăm sóc, bảo vệ; giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo được khả năng chịu lạnh; người dân không có vốn để trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chết nhiều, mật độ không đảm bảo, lãng phí đất đai, năng suất thấp; khó hình thành được vùng tập trung, chuyên canh, thâm canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến cao su.
Công nhân Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II ra quân trồng cao su đầu xuân. Ảnh: Công Hải - TTXVN |
Năm 2008, tỉnh Lai Châu đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để phát triển trồng cao su đại điền với quy mô đến năm 2020 là 30.000 ha theo hình thức vận động người dân góp đất, chia sản phẩm, nhà nước hỗ trợ người dân chuyển đổi đất, chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng cao su và tổ chức sắp xếp lại dân cư, hình thành các làng bản công nhân cao su. Để việc phát triển cao su đại điền bền vững, tạo việc làm, thu nhập và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao su, vừa đem lại lợi nhuận cho các công ty cổ phần cao su, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt là kết hợp giữa phát triển cao su với bảo vệ và phát triển rừng, tăng năng lực phòng hộ trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã có Nghị quyết về phát triển cây cao su đại điền. Sau 5 năm hợp tác phát triển, đến nay Lai Châu đã thành lập được 3 công ty cổ phần cao su, trồng được 10.000 ha cao su đại điền, chất lượng vườn cao su qua các năm được các chuyên gia đầu ngành cao su Việt Nam đánh giá rất cao và có triển vọng cho năng suất bình quân 1,5 - 1,8 tấn mủ khô/ha/năm khi vào thời kỳ khai thác ổn định. Hiện nay đã có trên 2.000 người là đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành công nhân của các công ty cổ phần cao su với thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng nghìn hộ tham gia nhận khoán khai hoang, trồng và chăm sóc cao su với thu nhập bình quân từ 80-120.000 đồng/ngày. Việc phát triển cao su đại điền đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở những vùng tham gia phát triển cao su đại điền.
Cây cao su đang là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo ở Lai Châu. Ảnh: Công Hải - TTXVN |
Từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ chuyển đổi đất, góp đất phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh. Để hoàn thiện chính sách, Lai Châu tiếp tục chuyển đổi đất sang trồng cao su từ đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp có độ cao nhỏ hơn 600 m so với mực nước biển, một số nơi với những điều kiện cho phép có thể phát triển đến độ cao 700 m; độ dày tầng đất tối thiểu 70 cm; độ dốc dưới 30O, những nơi cần liền vùng có thể xem xét bố trí đến 35O; diện tích đất quy hoạch trồng cao su phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh có quy mô vùng tập trung từ 30 ha trở lên; đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm hiệu quả kinh tế thấp.
Thực hiện việc lập thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng cây cao su theo quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp. Đối với diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên, diện tích khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng đã được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước nhưng kém hiệu quả, nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su, phải làm thủ tục thanh lý rừng, khai thác tận dụng lâm sản (nếu có) theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về thủ tục chuyển đổi cao su, thanh lý rừng và khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích chuyển đổi để trồng cao su trước khi tổ chức khai hoang để trồng cao su.
Các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su được góp không quá 30 ha/hộ. Các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; được hưởng các quyền lợi theo hợp đồng góp đất với công ty, Điều lệ hoạt động của công ty. Thời gian góp đất ít nhất một chu kỳ kinh doanh (27 năm); Sản phẩm được chia của người góp đất (năm i) = diện tích đất góp của người dân (năm i) x (năng suất bình quân của toàn Công ty trên tổng diện tích đất góp năm i) x tỷ lệ chia sản phẩm; tỷ lệ chia sản phẩm là 10% trên sản lượng vườn cây khi khai thác (trước vận chuyển và chế biến). Số sản phẩm trên được công ty mua theo giá thỏa thuận. Giá sẽ được công ty thống nhất với cơ quan quản lý giá của địa phương ban hành định kỳ và trả tiền cho người góp đất 2 lần/năm. Sau khi hết chu kỳ, số diện tích vườn cây thanh lý cũng được phân chia tỷ lệ như hình thức chia sản phẩm. Người góp đất nếu đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân của công ty và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật lao động.
Người tham gia góp đất phải chấp hành nghĩa vụ theo hợp đồng góp đất ký với công ty, quy định của pháp luật về đất đai, điều lệ hoạt động của công ty và các quy định hiện hành khác. Hỗ trợ một lần cho các tổ chức, hộ gia đinh, cá nhân có đất góp vào công ty để trồng cây cao su, mức hỗ trợ như sau: Đất trồng cây hàng năm đang canh tác: 6,0 triệu đồng/ha; rừng trồng bằng nguồn vốn tự có: 7,2 triệu đồng/ha; rừng khoanh nuôi, tái sinh bằng nguồn vốn tự có: 2,4 triệu đồng/ha; rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: 1,2 triệu đồng/ha; rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: 0,6 triệu đồng/ha; rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ hoặc các cơ quan nhà nước khác quản lý thì không được hỗ trợ.
Các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su được hỗ trợ 100% giống cây họ đậu, lạc, lúa nương, bông, dứa, gừng… theo quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các hộ gia đình trồng xen canh trên nương cao su trong 03 (ba) vụ liên tiếp, bắt đầu từ năm trồng mới. Tùy theo quy mô và yêu cầu, mỗi doanh nghiệp trồng cao su được hỗ trợ từ 1-2 vườn giống cố định để sản xuất cây giống, gồm: Đường vào vườn ươm, nhà ở công nhân, hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt: Mức hỗ trợ đầu tư theo dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt.
Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng ở những vùng chưa có đường trục chính; cứ 100 ha cao su đứng được hỗ trợ xây dựng 1 km; mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/km. Trung bình 300 ha cao su thực trồng được hỗ trợ xây dựng từ 1 - 2 nhà ở công nhân theo thiết kế định hình; hỗ trợ một lần cho các đội chưa có điện lưới, với mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/đội; hỗ trợ một lần nước sinh hoạt đối với những đội khó khăn nước sinh hoạt, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/đội.
Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp tỉnh 100 triệu đồng/năm, Ban chỉ đạo cấp huyện 150 triệu đồng đối với các huyện có trồng từ trên 1.000 ha cao su/năm trở lên, 100 triệu đồng đối với huyện trồng 500 - 1.000 ha cao su/năm, 50 triệu đồng đối với huyện trồng dưới 500 ha cao su/năm; hỗ trợ 30 triệu đồng/xã đối với các xã có trồng cao su; chi phí tổ công tác liên ngành do UBND huyện thành lập để thực hiện công tác tuyên truyền vận động lập hồ sơ đất, lập phương án và thực hiện hỗ trợ các hộ gia đình có đất chuyển đổi và góp đất vào Công ty trồng cây cao su, mức hỗ trợ: 200.000 đồng/ha cao su thực trồng hàng năm.
Một mùa xuân mới lại bừng lên trên mảnh đất quê hương Lai Châu tươi đẹp, các cánh rừng cao su bát ngát lại đua nhau đâm trồi, nảy lộc, hứa hẹn một ngày mai với những dòng vàng trắng từ những cánh rừng cao su sẽ làm giàu đẹp cho mảnh đất biên cương của đất trời Tây Bắc.
Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu