Các tập đoàn làm tốt
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng (2010 - 2015) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/4, Bộ Công Thương cho biết, trong 5 năm qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các lĩnh vực khai khoáng then chốt như dầu khí, than - khoáng sản, hóa chất, xi măng... đã đẩy mạnh đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại. Chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm, lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. “Hàng năm, tập đoàn dành hàng trăm tỷ đồng từ quỹ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) để nghiên cứu phát triển công nghệ. Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đã đầu tư 250 tỷ đồng/năm để nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm, hơn 340 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ mới nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu và sản lượng khai thác dầu khí”, đại diện tập đoàn này cho hay.
Công nghệ khai thác đá của các cơ sở nhỏ còn rất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. |
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực khai thác, khoan nổ mìn làm tơi đá, xúc bốc, khai đào, ổn định bờ mỏ. Các mỏ đá vôi, đá sét lớn công suất trên 1 triệu tấn đá/năm đã được đầu tư xây dựng với dây chuyền hiện đại đạt trình độ cơ giới hóa cao, chấm dứt tình trạng khai thác thủ công.
Trong khi các doanh nghiệp (DN) lớn có điều kiện đổi mới KHCN thì các DN nhỏ, sản xuất manh mún còn khá thờ ơ với điều này. Theo đại diện Vụ Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên - Môi trường), vẫn cần phải chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực khai thác đá, đặc biệt là khu vực phía Bắc với các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Hiện cả nước có khoảng 4.000 điểm khai thác đá nhưng có đến hơn 3.000 điểm khai thác quy mô nhỏ (100.000 m3/năm) với công nghệ rất lạc hậu.
“Nếu cần đình chỉ thì chúng tôi có thể đình chỉ tất cả các cơ sở này nhưng nếu như vậy thì sẽ không thể có đủ nguồn nguyên liệu cho các địa phương”, vị đại diện nói. Ông cũng đề nghị có sự phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ KHCN để tìm kiếm công nghệ mới cho các cơ sở nhỏ lẻ này, không thể để tình trạng công nhân cheo leo khai thác đá như hiện nay kéo dài.
Ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) thừa nhận: Do nguồn vốn đầu tư cho đổi mới, hiện đại hóa công nghệ rất lớn nên các DN mới chỉ thực hiện đầu tư tại một số cơ sở có điều kiện thuận lợi, có năng lực tài chính. Vẫn còn nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa có điều kiện để đổi mới công nghệ.
Gắn khai thác với bảo vệ môi trường
Việc phổ biến các công nghệ hiện đại cần được tiếp tục đẩy mạnh để hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Theo Vụ Khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng bụi bẩn ô nhiễm không khí, nước thải xả trực tiếp ra môi trường. Mặt khác, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt và nằm ở sâu hơn, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, thành phần vật chất phức tạp đòi hỏi DN phải đầu tư nhiều hơn cho đổi mới công nghệ.
Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đề ra mục tiêu đưa ngành khai khoáng trở thành ngành có công nghệ đạt trình độ thế giới vào năm 2025. |
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường gửi Bộ Công Thương ngày 23/2/2016, thống kê từ 40/43 tỉnh thành, chỉ có khoảng 30% cán bộ đang làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có chuyên môn về địa chất - mỏ. Cán bộ tại phòng tài nguyên môi trường cấp quận/huyện còn thiếu, hầu hết làm công tác kiêm nhiệm. Điều này làm giảm hiệu quả quản lý, nhất là công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường cho cán bộ, chuyên viên trong lĩnh vực này; xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài nguyên môi trường.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Viện Khoa học công nghệ mỏ đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến công nghệ khai thác than đồng bằng sông Hồng và nghiên cứu chế tạo các loại thiết bị trong nước phục vụ ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản Việt Nam.
“Cần nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị khai thác tại các mỏ lộ thiên sâu; nghiên cứu công nghệ đào sâu vét bùn phù hợp điều kiện đáy mỏ chật hẹp sau mỗi mùa mưa cho các mỏ than vùng Quảng Ninh”, TS Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ mỏ đề xuất.