Công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đóng góp 11% cho GDP và 25% ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngành khai khoáng vẫn bị cho là lãng phí tài nguyên, hiệu quả đóng góp kinh tế thấp, thất thu ngân sách lớn.
Nhiều bất cập
Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về khoáng sản với 211 điểm, mỏ với 26 loại khoáng sản như: titan - zircom, đá xây dựng, cát thủy tinh, cát xây dựng… Cùng với những đóng góp thì Bình Thuận cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quản lý hoạt động khai khoáng. Ông Lê Đắc Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là địa phương “giàu có” về khoáng sản, trong đó có titan và cát đen được kỳ vọng sẽ mang lại kinh tế lớn cho địa phương, song đến nay hiệu quả mang lại vẫn thấp.
Công trường mỏ đồng Sinh Quyền (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). |
“DN khai không đúng sản lượng thực để ‘ăn bớt’ tài nguyên, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhiều DN không thực hiện cải tạo môi trường sau khai thác, gây ảnh hưởng nguồn nước, đất đai. Điều này đã khiến người dân rất bức xúc,” ông Lâm nhận xét.
Câu chuyện trên không chỉ diễn ra ở Bình Thuận mà còn là thực tế ở nhiều địa phương khác. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt 4 tỷ đồng, số thu này thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng tại địa phương.
Theo đánh giá, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương cùng nhiều loại khoáng sản khác có sản lượng lớn. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, dù sản lượng lớn nhưng đóng góp cho ngân sách từ khai khoáng còn thấp. Theo thống kê, số thu thuế tài nguyên (khoản thu chính và đặc thù trong khai thác khoáng sản) chỉ chiếm 0,9 - 1,1% ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2013, chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí quản lý cũng như các ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, môi trường và xã hội.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ những dữ liệu điều tra gần 10.000 DN hàng năm, trong đó có DN khai khoáng, VCCI đã có những phát hiện rất thú vị. Theo đó, tỉ lệ DN khai khoáng có lãi có xu hướng giảm từ 75, 83% (2006) còn 56,5% (2011), còn DN lỗ tăng từ 18,8% lên 35,5%.
“Tuy nhiên, khi hỏi có tiếp tục mở rộng kinh doanh hay không, thì DN khai khoáng lạc quan hơn DN bình thường, 62% DN khai khoáng sẽ mở rộng kinh doanh. Như vậy, sổ sách công khai thì lỗ nhưng triển vọng kinh doanh tốt hơn. Vậy nguồn thu thật sự có thể hiện ở kết quả điều tra không? Liệu nguồn thu ngân sách thật sự được như thế nào?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Sáng kiến minh bạch khoáng sản
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách trong khai khoáng, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, việc quản lý khai thác khoáng sản còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính, đất đai, môi trường, khoáng sản. Việc cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản còn thiếu hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh khoáng sản đánh giá, công tác quản lý chủ yếu dựa trên số liệu DN kê khai, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. “Điều này tạo nên sự thiếu công bằng giữa các DN, DN chấp hành tốt thì gánh nặng nghĩa vụ tài chính, DN không chấp hành thì được hưởng lợi. Hệ lụy là ngân sách thất thu và đối tượng chịu thiệt thòi nhất là người dân ở vùng có mỏ”, bà Thủy cho biết.
Sáng kiến Minh bạch trong Công nghiệp khai thác (EITI) là sáng kiến nhằm tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và qua đó nâng cao hiệu quả của công nghiệp khai thác. Nguyên tắc chung của EITI là Chính phủ và DN cùng công khai một số thông tin cơ bản liên quan đến hoạt động khai thác như giấy phép, sản lượng và các khoản thu ngân sách dưới sự giám sát của Hội đồng các bên liên quan. |
Một trong những điều khiến các chuyên gia lo ngại, nhiều loại khoáng sản sẽ bị cạn kiệt trong tương lai gần như dầu khí chỉ còn 56 năm khai thác, vàng còn 21 năm, đồng còn 35 năm… Vì vậy, cần phải có cách thức quản lý và khai thác khoáng sản hiệu quả, chống thất thoát nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Đề xuất giải pháp hạn chế thất thu nguồn ngân sách từ khai thác khoáng sản, bà Trần Thanh Thủy kiến nghị: “Đã đến lúc Việt Nam cần tham gia Sáng kiến minh bạch trong Công nghiệp Khai thác (EITI). Việc thực thi EITI sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu ngân sách, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo bình đẳng hơn giữa các DN; tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Lại Hồng Thanh, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, thời gian qua cơ chế kiểm soát nguồn thu khoáng sản của Việt Nam chưa tốt. Việc doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, việc này ở Việt Nam thực hiện vẫn chưa tốt, điều này có thể dễ dẫn tới việc gian lận. “Chúng ta xác định tài nguyên khoáng sản là tài sản chung mà chỉ Nhà nước quản lý, doanh nghiệp và người dân đứng ngoài thì không được. Sáng kiến EITI giải quyết được vấn đề này”, ông Thanh cho biết.